xuân

DN với "nỗi sợ" cạnh tranh hàng Trung Quốc giá rẻ, chuyên gia chỉ ra 1 "lợi thế” cần phát huy nhìn từ việc “Temu muốn tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam"

Hiện, ngày càng nhiều sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ cũng tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng Việt Nam.

Thương mại điện tử phát triển mở ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Song, thách thức đi kèm chính là hàng Trung Quốc vào Việt Nam thông qua sàn với mức giá cực kỳ thấp, đang gây áp lực lên hàng trong nước. Đây chính là “bài toán” khó cho cả doanh nghiệp, chính quyền trong xu hướng mua sắm trực tuyến đang nở rộ.

Thực tế, cạnh tranh là câu chuyện tự nhiên trong nền kinh tế thị trường. Vấn đề của doanh nghiệp là làm sao để gia tăng được năng lực cạnh tranh của mình. “ Song, chúng ta có bí quyết gì để cạnh tranh lại hàng Trung Quốc” , bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DNHVNCLC) – đặt vấn đề bên thềm Diễn đàn Mekong Connect 2024.

Theo bà, đó chính là một hành trình mà đòi hỏi các bên phải kiên trì. Trước hết, trong ngắn hạn doanh nghiệp theo vị này phải nỗ lực duy trì hoạt động, tiết kiệm tối đa các chi phí.

Thứ hai , doanh nghiệp phải cố gắng làm nổi bật hàng địa phương hoá, bởi đây chính là yếu tố cạnh tranh chính của chúng ta. “Dân Trung Quốc bán online, chứ họ đâu có qua đây được nên đây. Nên điểm mạnh của doanh nghiệp Việt chính là làm nổi bật các đặc tính địa phương của sản phẩm. Hiện, các sàn thương mại điện tử như Temu muốn tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam để hiểu về địa phương”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Được biết, Temu - phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc đã xuất hiện và đang “làm mưa làm gió” tại thị trường trong nước. Trước đó, nhiều sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ cũng tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng Việt Nam.

Cuối cùng, vị này thẳng thắn cho rằng dịch vụ của đa số doanh nghiệp Việt chưa tốt, đó chính là lý do không giữ chân được khách hàng. Lấy từ trường hợp mua hàng của bản thân, bà cho biết khi mua hàng trong nước bị lỗi, khiếu nại thì bên bán hàng ghi nhận như xử lý chậm, có khi quên. Trong khi, sàn Temu thậm chí không lấy lại hàng lỗi, mà giao tiếp một sản phẩm hoàn toàn mới và đạt chất lượng. Cho nên, “c hính bản thân tổi là người Việt , làm trong hội hàng tiêu dùng Việt đôi khi còn thất vọng ” , bà nói thêm.

Theo đó, Mekong Connect 2024 năm nay các bên sẽ tập trung vào ba lĩnh vực trọng yếu: kinh tế, thương mại và công nghệ. Các hoạt động tại diễn đàn sẽ thúc đẩy liên kết giữa Tp.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL, hướng tới phát triển xanh, bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới. Năm nay, các tỉnh thành còn tập họp các doanh nghiệp khởi nghiệp (trong nông nghiệp) xuất sắc của cả nước, nơi ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh Nông Xanh 3 miền.

Mekong Connect ra đời vào 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có sự tham gia của Tp.HCM. Tính đến nay, diễn đàn Mekong Connect đã thực hiện được 8 lần, năm 2024 là lần thứ 9 diễn đàn được tổ chức, lần đầu tiên tổ chức ở tỉnh An Giang.

Trở lại với câu chuyện cạnh tranh với hàng Trung Quốc, bên cạnh việc doanh nghiệp tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng cũng như tăng tính “địa phương” hoá, thì bài toán của các bên liên quan là phát triển được hệ thống logistics đồng bộ.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng chìa khóa thành công của Trung Quốc nằm ở một chiến lược phát triển logistics đồng bộ và nhất quán từ trung ương đến địa phương.

Đơn hàng B2B trên phạm vi toàn quốc của Trung Quốc có thể giao trong thời gian dưới 1 ngày, trong khi diện tích lãnh thổ của họ lớn hơn Việt Nam từ 4 đến 5 lần. Điều này phản ánh hệ thống logistics của quốc gia láng giềng tỏ ra vượt trội như thế nào.

Trong khi, Việt Nam hiện có khả năng sản xuất nhiều sản phẩm tương tự Trung Quốc nhưng giá bán ra cao hơn, do chi phí logistics quá lớn. Với cấu trúc hạ tầng còn nhỏ lẻ, các trung tâm logistics chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và thiếu tính kết nối với hệ thống giao thông quốc tế.

Nhìn chung, sự manh mún trong hệ thống logistics khiến doanh nghiệp Việt phải chấp nhận chi phí vận tải cao gấp nhiều lần so với Trung Quốc. Đơn cử, hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam có thể đạt mức giá rẻ nhờ mạng lưới vận tải hiệu quả, trong khi chiều ngược lại từ Việt Nam sang Trung Quốc chi phí cao hơn tới 10 lần.