Đầu tư và sự quan tâm đối với AI ở ASEAN ngày càng tăng, mang đến nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. (Nguồn: iStock) |
Theo Báo cáo e-Conomy SEA năm 2024 của Google, Temasek và Bain & Company, trong nửa đầu năm 2024, Đông Nam Á đã thu hút hơn 30 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI). Kể từ tháng 1/2023, các "gã khổng lồ" công nghệ, bao gồm Microsoft, Google và Amazon cũng cam kết đầu tư hơn 50 tỷ USD vào AI tại khu vực này. Dòng đầu tư đổ vào phản ánh sự công nhận ngày càng tăng đối với Đông Nam Á như một trung tâm đang phát triển mạnh mẽ cho đổi mới AI - một sự thay đổi có thể thúc đẩy nền kinh tế của khu vực phát triển.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dự đoán rằng AI có thể giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đạt từ 10% đến 18%, tiềm năng bổ sung lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Mặc dù những diễn biến này tạo ra nhiều cơ hội hứa hẹn, khu vực vẫn đối mặt với một số thách thức đáng kể. Đông Nam Á cần thực hiện những bước đi cụ thể để khai thác tiềm năng của AI và định vị khu vực là trung tâm AI tiếp theo trên thế giới.
Thúc đẩy của khu vực tư nhân
Dòng đầu tư đổ vào phản ánh sự công nhận ngày càng tăng đối với Đông Nam Á như một trung tâm đang phát triển mạnh mẽ cho đổi mới AI. (Nguồn: e-Conomy SEA) |
Sau khi thừa nhận tầm quan trọng của AI, một số chính phủ Đông Nam Á đã xây dựng các chiến lược quốc gia, chẳng hạn như Chiến lược quốc gia về AI của Indonesia và NAIS 2.0 của Singapore, để tích hợp AI vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Singapore cũng đã đầu tư 70 triệu USD để phát triển các mô hình phù hợp với văn hóa khu vực, cùng với nhiều nỗ lực khác.
Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã đưa ra các sáng kiến như Hướng dẫn ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI và thành lập Nhóm công tác ASEAN về AI (WG-AI) để thúc đẩy các nỗ lực hợp tác và sử dụng AI có đạo đức trên khắp các quốc gia thành viên.
Hơn nữa, Thỏa thuận khung kinh tế số (Defa) cũng được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy các quy định về dữ liệu xuyên biên giới trong khu vực, có khả năng dẫn đến các hệ thống AI đáng tin cậy và chính xác hơn.
Ngoài các sáng kiến của chính phủ, khu vực tư nhân đã thúc đẩy việc áp dụng AI. Một báo cáo có tiêu đề "2024 e-Conomy SEA" do Google biên soạn, lưu ý rằng 54% các dự án AI tạo ra tiến triển từ ý tưởng đến sản xuất trong vòng 6 tháng và 71% mang lại Lợi tức đầu tư (ROI) trong vòng 12 tháng. Với thời gian quay vòng ngắn đáng kinh ngạc, các công ty công nghệ lớn trong khu vực như Gojek, Grab và Lazada tận dụng AI trong hoạt động kinh doanh của họ.
Những trở ngại cần vượt qua
61% thanh thiếu niên ASEAN trong độ tuổi từ 10 - 24 chưa được đào tạo kỹ thuật số chính thức tại trường học. (Nguồn: Znews) |
Mặc dù Đông Nam Á đã thu hút đầu tư mạnh mẽ vào AI, nhưng khu vực này vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Một trong những thách thức chính là thiếu hụt nhân tài kỹ thuật số, khi mà 61% thanh thiếu niên ASEAN trong độ tuổi từ 10 - 24 chưa được đào tạo kỹ thuật số chính thức tại trường học.
Điều này khiến sự phân chia kỹ thuật số ngày càng sâu rộng và giảm khả năng cạnh tranh của khu vực trong việc thu hút đầu tư AI.
Ngoài ra, mức độ sẵn sàng ứng dụng AI giữa các quốc gia Đông Nam Á cũng có sự chênh lệch lớn. Chỉ có Singapore, Malaysia và Thái Lan đạt điểm số vượt mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra rào cản đối với sự phát triển xuyên biên giới và dẫn đến sự không đồng đều về quy định, đặc biệt trong quản trị dữ liệu và an ninh mạng.
Mặc dù AI mang lại những lợi ích to lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức có thể đe dọa đến các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của khu vực. Một ví dụ rõ ràng là sự gia tăng đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, được thúc đẩy bởi sự phát triển của AI, có thể làm gia tăng căng thẳng đối với các nguồn lực của khu vực và ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm cường độ năng lượng xuống 32% vào năm 2025.
Để khai thác tối đa tiềm năng của AI và đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm AI toàn cầu, khu vực cần có một chiến lược thống nhất và mang tính chiến lược.