Tối 21/7, một hình ảnh cận cảnh ngón chân mang dép lê của nam diễn viên Điền Hủ Ninh bất ngờ trở thành chủ đề "nóng" trên mạng xã hội Trung Quốc. Chỉ bằng một tấm ảnh mờ nhòe, khoảnh khắc bàn chân của mỹ nam sinh năm 1997 bỗng dưng thu hút hàng triệu lượt tương tác trên Weibo.

Ngay sau khi bài đăng kèm hashtag với nội dung Điền Hủ Ninh bị nấm móng được lan truyền, cư dân mạng lập tức chia phe tranh cãi. Có người cho rằng đây chỉ là triệu chứng nấm móng thông thường, dễ dàng điều trị, số khác khẳng định ê-kíp đã thổi phồng hình ảnh qua Photoshop nhằm tạo viral.
Chưa đầy bốn giờ, chủ đề này đã leo lên nhì bảng "hot search" (Đây là một trong những công cụ đo lường nhiệt, sự quan tâm của cư dân mạng dành cho một nhân vật hay vấn đề xã hội nào đó - PV) với hàng loạt lượt truy cập và hàng trăm ngàn bình luận hai chiều.

Nhiều fanpage giải trí còn đăng kèm các ảnh before - after (trước và sau - PV) để so sánh tình trạng móng chân mà không trích xuất nguồn gốc. Trong khi đó, không ít tài khoản đua nhau đăng clip phân tích tình trạng da liễu qua từng góc máy. Tuy nhiên, hầu hết bình luận đều mang tính chất đồn đoán, ít người thực sự hiểu về bệnh lý nấm móng và gần như không mấy ai thắc mắc về nguồn gốc bức ảnh gốc. Đông đảo fan của Điền Hủ Ninh đã lên tiếng khẳng định, từ nhỏ anh từng bị chấn thương ở chân, để lại sẹo chứ không hề mắc nấm móng như tin đồn.
Điền Hủ Ninh cũng lập tức lên tiếng đính chính để ngăn chặn tin đồn sai sự thật lan rộng.

Ranh giới mong manh giữa tin tức và tin đồn
Trong kỷ nguyên mạng xã hội, chỉ một hình ảnh nhỏ cũng có thể bùng phát thành chủ đề bàn tán công khai. Khi một bức ảnh móng chân được đăng lên, cư dân mạng chỉ cần click "chia sẻ" hoặc "thả tim" là đã vô tình góp phần đẩy tin đồn lên cao. Thuật toán nền tảng ưu tiên những nội dung có tương tác lớn: lượt like, comment, share càng cao, bài đăng càng được đẩy lên vị trí đầu mà không cần phân biệt thật hay giả.

Hiệu ứng đám đông càng tiếp sức cho tin đồn lan rộng. Một người bình luận "Điền Hủ Ninh bị nấm móng nặng lắm rồi" liền có chục status nhảy vào "hùa" theo, tag thêm bạn bè, khiến người dùng cứ thế truyền tay mà không cần biết tính xác thực.
Đối với người nổi tiếng, việc mất kiểm soát hình ảnh trên mạng xã hội không chỉ gây tổn hại uy tín mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân. Một số nghệ sĩ đã chọn lên tiếng để giải thích ngay khi tin đồn nổ ra. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp quản lý lẫn nghệ sĩ im lặng, dẫn đến dư luận tự tung tin, kéo dài cuộc tranh cãi không đáng có.

Câu chuyện móng chân Điền Hủ Ninh leo top hot search cho thấy rõ ở thời đại số, ranh giới giữa tin tức và tin đồn ngày càng mong manh. Chỉ cần một khoảnh khắc vô tình, một bức ảnh chưa qua kiểm duyệt cũng có thể được khuếch đại thành scandal. Đối với cư dân mạng, việc thoả mãn tính tò mò và soi mói dễ dàng lấn át nhu cầu tìm kiếm sự thật. Trong khi đó, nghệ sĩ và ê-kíp cần chủ động hơn trong quản trị khủng hoảng truyền thông, để thông tin chính xác không bị chìm trong tiếng ồn vô tận của tin đồn.