
Bộ Nội vụ đề xuất quy định mới xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội - Ảnh minh họa
Bộ Nội vụ cho biết, ngày 29/6/2024, Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 trong đó, một số nội dung Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác Bảo hiểm xã hội, gồm nội dung: đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội và tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội.
Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp: Đây là nội dung mới do các quy định trước đây về bảo hiểm xã hội chưa quy định rõ khái niệm như thế nào là chậm đóng, trốn đóng.
Về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Theo Bộ Nội vụ, ngày 17/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020, trong đó quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính thống nhất và tính hiệu lực của một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành hoặc mới được sửa đổi, bổ sung (các văn bản gồm: Luật Việc làm 2013, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, các Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019).
Nghị định số 12/2022/NĐ-CP cùng với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tính tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đến nay, việc áp dụng trên thực tế, đã xuất hiện các yêu cầu, đòi hỏi các quy định xử phạt về bảo hiểm xã hội cần phải được tiếp tục hoàn thiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Yêu cầu từ việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật sau khi Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 được ban hành.
Thứ hai: Yêu cầu khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn áp dụng Nghị định số 12/2022/NĐ-CP phát sinh một số vướng mắc, bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, như tại khoản 5 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động...". Tuy nhiên, chưa có quy định về việc xác định mức tiền phạt trong trường hợp đối tượng vi phạm đã khắc phục hết số tiền chậm đóng trước thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Do đó, việc xây dựng Nghị định là hết sức cần thiết nhằm quy định chi tiết, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Nghị định đề xuất quy định chi tiết các điều khoản sau đây của Luật Bảo hiểm xã hội: Khoản 4 Điều 35, khoản 1 và khoản 2 Điều 39, khoản 4 Điều 40, khoản 4 Điều 41, khoản 7 Điều 130, khoản 5 Điều 131. Quy định một số biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm xã hội gồm: Đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội; xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội; xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh bảo hiểm xã hội
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh bảo hiểm xã hội thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Hành vi vi phạm, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, hình thức xử phạt bổ sung, các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
1- Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó.
2- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3- Buộc người sử dụng lao động nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng và số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng.
4- Buộc nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, số tiền trợ cấp thất nghiệp, số tiền hỗ trợ học nghề, số tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đã nhận và khoản tiền lãi của số tiền này.
5- Buộc người sử dụng lao động hoàn trả cho người lao động số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã chiếm dụng của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này.
6- Buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nộp lại số tiền đã trục lợi cho cơ quan bảo hiểm xã hội và khoản tiền lãi của số tiền này.
7- Buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện dạy đủ thời gian khóa học mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.
8- Buộc người sử dụng lao động nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề không sử dụng hết so với phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý Tham khảo thêm

