19/08/2024 15:21
Cụ thể, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi trên địa bàn toàn Thành phố, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng; chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Sẵn sàng các điều kiện ứng phó
Các hoạt động trọng tâm bao gồm: chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh dịch, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch của đơn vị, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với bệnh dịch theo các mức độ, quy mô của dịch.
Ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi đến khám tại đơn vị, bao gồm quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị.
Sẵn sàng nguồn lực, các khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời cho người bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi tùy theo quy mô và chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương.
Bảo đảm đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cần thiết cho nhân viên y tế khám, điều trị, chăm sóc trực tiếp cho các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi và tiến hành phối hợp điều tra dịch ngay khi có ca bệnh sởi đầu tiên.
Tuân thủ nghiêm biện pháp kiểm soát lây nhiễm sởi
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế TPHCM tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát lây nhiễm sởi, tăng cường hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly kịp thời ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các trường hợp nhẹ, không có biến chứng có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế.
Thực hiện cách ly ngay người bệnh nghi ngờ hoặc được chẩn đoán mắc sởi trong phòng cách ly có thông khí tốt, cách xa các phòng bệnh khác hoặc khu vực đông người đi lại.
Áp dụng phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường không khí cho người bệnh sởi trong giai đoạn lây nhiễm.
Sử dụng đúng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc, điều trị người bệnh sởi hoặc nghi mắc sởi như khẩu trang N95 hoặc tương đương, áo choàng, găng tay.
Thực hiện vệ sinh tay thường xuyên trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh mắc sởi hoặc môi trường xung quanh.
Vệ sinh và khử trùng thường xuyên tất cả các bề mặt, đồ vật trong phòng cách ly để loại bỏ vi rút sởi.
Hạn chế số lượng người thăm bệnh và chỉ cho phép những người đã được tiêm phòng sởi đầy đủ vào thăm người bệnh mắc sởi.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc tuân thủ các quy định, quy trình về phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh.
Đồng thời, hỗ trợ nhân viên y tế, người bệnh có tiếp xúc với trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi để đánh giá tình trạng miễn dịch và tiêm phòng đầy đủ.
Tăng cường thực hiện các biện pháp truyền thông về phòng ngừa lây nhiễm, cách phát hiện và xử trí khi có người nghi nhiễm sởi cho nhân viên y tế, người dân tại cộng đồng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tập huấn về sàng lọc, khám, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm sởi cho nhân viên y tế để sẵn sàng trong tình huống có dịch trong cơ sở khám chữa bệnh.
Chỉ đạo các địa phương tăng cường truyền thông, thực hiện và quản lý tiêm phòng sởi cho trẻ em; kiểm tra, dự trù đủ vaccine.
Bên cạnh đó, tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế tại địa phương, vùng và quốc gia để cập nhật thông tin về bệnh sởi; thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát bệnh dịch theo quy định.
Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 12/8, toàn TP ghi nhận 346 ca dương tính với bệnh sởi, trong đó 3 trường hợp tử vong tại các bệnh viện.
Qua thống kê, có 78,4% ca mắc bệnh sởi ở TPHCM là trẻ dưới 5 tuổi, 66% trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi và 30% trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/de-nghi-tphcm-trien-khai-nhieu-giai-phap-de-kiem-soat-benh-soi-102240819151134601.htm