Sau những cơn sốt kéo dài, thị trường nhà đất tại khu ven và tỉnh lân cận Tp.HCM đã chứng kiến thanh khoản giảm mạnh. Đất nền vốn là phân khúc ghi nhận biến động tăng giá mạnh những năm qua thì giờ không còn dễ “ăn bằng lần” như trước.
Cuối năm 2022, do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ thắt chặt, cùng với những “vết thương” được tích tụ sau gần nửa thập kỷ do bong bóng đầu cơ, đã khiến thị trường bất động sản nói chung, đất nền nói riêng rơi vào khó khăn.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến đầu năm 2022, người người nhà nhà đổ đi “săn đất" khiến giá liên tục tăng. Kết quả là bong bóng xì hơi, thanh khoản rơi tự do, nhiều nhà đầu tư đi vay không kịp “về bờ”, đối diện nguy cơ lỗ nặng.
Trước câu hỏi bao giờ thị trường có thể hồi phục, nhiều chuyên gia cho rằng loại hình đất vườn, đất nông nghiệp tại các tỉnh sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi hơn các loại hình địa ốc khác.
Gần đây, những thông tin tích cực từ việc hạ lãi suất, nới room tín dụng đang được nhà đầu tư kì vọng sẽ tác động đến phân khúc đất nền. Tại thị trường đất nền phía Nam hiện làm sóng cắt lỗ đã giảm nhiệt hơn so với giai đoạn đầu năm 2023. Điều này đang tạo ra tâm lý ổn định dần ở giới đầu tư. Nhiều người kì vọng sức cầu sẽ quay trở lại từ cuối năm nay.
Mới đây, trong báo cáo thị trường 6 tháng năm 2023 của Bộ Xây dựng đã nhận định, giao dịch bất động sản thời gian qua chủ yếu tập trung phân khúc đất nền. Tuy vậy, các giao dịch này đều giảm giá so với giai đoạn đầu năm 2022 từ 10-30%.
Báo cáo cho thấy, về số lượng giao dịch bất động sản trong 6 tháng đầu năm, tổng cộng chỉ có khoảng 187.000 giao dịch thành công, giảm 63,87% chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền, trong đó số lượng giao dịch nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm đến 59,31% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Cũng theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, khoảng cuối quý 3/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn. Về giá bán, đất nền ở những vùng giá đã tăng quá mạnh sẽ tiếp tục giảm để điều chỉnh về mức phù hợp. Ngược lại, những vùng chưa có nhiều dự án sẽ có khả năng tăng giá.
Trong năm 2023, các chuyên gia đều nhận định sẽ không xảy ra sốt đất tại nhiều địa phương như đầu năm 2022. Thị trường cần có quá trình hội tụ nhiều yếu tố về cung cầu, thông tin, hạ tầng, dòng vốn… mới bùng lên những cơn sốt đất. Quá trình đó cần thời gian khoảng 4-5 năm. Một số chuyên gia nhận định, sốt đất có thể xảy ra vào năm 2027, 2028 khi thị trường tốt trở lại, giao dịch sôi động, giá nhà đất tăng mạnh.
Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2023, khi các dòng vốn đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ, hạ tầng được hoàn thiện ở một số khu vực sẽ tạo cơ hội cho giá đất ở một số khu vực có thể tăng nhẹ. Một số cơn sốt đất nhỏ lẻ, cục bộ diễn ra trong thời gian ngắn có thể xuất hiện. Tuy nhiên, sau đó giá sẽ không tăng, thị trường đi ngang kéo dài vài năm.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn này hoàn toàn không lặp lại chu kỳ khủng hoảng giai đoạn năm 2012. Hiện nay, phát triển đô thị cao, đầu tư hạ tầng diễn ra mạnh, nhu cầu về nhà ở còn cao, lãi suất hạ nhệt. Đây là những yếu tố tạo nên động lực lớn cho khả năng hồi phục của thị trường.
Hiện nay tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng hơn khi quan sát thị trường. Sức mua đất nền còn yếu, cho nên phân khúc này khó diễn ra đợt đột biến trong ngắn hạn.