Bất động sản 2019 không đồng thuận với nền kinh tế
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM mặc dù các chỉ tiêu của toàn quốc gia ở mức tốt. Tuy nhiên, ngành bất động sản lại không tăng trưởng đồng thuận với nền kinh tế.
Cụ thể, giao dịch bất động sản năm 2019 giảm khắp cả nước khi chỉ có khoảng 83 ngàn giao dịch thành công, giảm 26% so với năm 2018. Việc chênh nhau giữa Luật xây dựng và Luật đầu tư khiến các dự án bị trì trệ trên phạm vi cả nước đặc biệt là Tp. HCM và Hà Nội.
Qua đó dẫn đến sự sụt giảm cả về quy mô thị trường, nguồn cung dự án cũng như nguồn cung sản phẩm nhà ở nhất là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng). Ngoài ra, cũng không có dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, để có thể đạt mục tiêu an cư lập nghiệp cho người dân, thì đây là phân khúc vô cùng quan trọng. Như vậy, “Giấc mơ tạo lập nhà ở người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, nhất là những người trẻ ngày càng xa vời” - Ông Châu chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định bất động sản 2019 không đồng thuận với nền kinh tế
|
Chính vì là một năm khó khăn, nên các doanh nghiệp BĐS dẫn đầu tronng việc bị tạm dừng hoạt động và bị giải thể. Theo số liệu của Bộ kế hoạch và đầu tư thì số lượng doanh nghiệp BĐS bị tạm dừng hoạt động trong năm 2019 đạt 598 doanh nghiệp, tăng 36.8% so với năm 2018. Doanh nghiệp BĐS bị giải thể đạt 686 doanh nghiệp, tăng 39.4% so với năm 2018.
Doanh nghiệp bất động sản cần linh động hơn để tìm kiếm dòng vốn
Thông tư 22 do Nhà nước ban hành đã ấn định lộ trình siết mạnh cho vay bất động sản trong thời gian 3 năm kể từ đầu năm 2020. Cụ thể, các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Đến tháng 10/2022, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 30%. Ngoài ra, NHNN cũng tăng hệ số rủi ro đối với kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đang muốn hạn chế dòng tiền vào kinh doanh bất động sản. Chính vì vậy, để có thể huy động được vốn, các doanh nghiệp bất động sản cần phải linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm dòng vốn.
“Để có thể thu hút được dòng vốn đầu tư, các doanh nghiệp BĐS cần nỗ lực để trở nên uy tín và minh bạch hơn; tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu, chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH sang CTCP và tiến tới niêm yết; đẩy mạnh phát hành trái phiếu tuy vẫn có những mặt cần chấn chỉnh để đảm bảo an toàn; mở rộng hợp tác liên kết trong nước đồng thời xây dựng các dự án bất động sản xanh và thông minh”- ông Châu đưa ra những khuyến nghị đối với các doanh nghiệp BĐS.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Trường đại học Fulbright Việt Nam cũng làm rõ thêm rằng “Mặc dù tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn giảm, nhưng không hẳn là giá trị tuyệt đối sẽ phải giảm mà có thể cố gắng tăng mẫu thông qua tăng cường huy động vốn và đặc biệt là tăng cường vốn trung và dài hạn”. Hơn nữa, với mức tăng trưởng tín dụng bình quân 14%/năm, ông Tuấn kỳ vọng các ngân hàng sẽ làm được điều này. Nhờ đó, các doanh nghiệp BĐS sẽ có thêm thời gian để cơ cấu lại dòng vốn của mình sao cho hợp lý.
Những động lực thúc đẩy thị trường bất động sản
Theo các chuyên gia, năm 2020 thị trường bất động sản sẽ có những điểm sáng nhất định để tiếp tục phát triển.
Các chuyên gia thảo luận về động lực tăng trưởng của thị trường bất động sản
|
Về vĩ mô, Nhà nước vẫn đang kiểm soát lạm phát ở mức tốt khi CPI bình quân chung đạt 2.79%. Trong đó, lạm phát cơ sở được duy trì ở mức 2.0% trong suốt bốn năm qua (năm 2019 đạt 2.01%) giúp Chính phủ có nhiều dư địa trong việc điều chỉnh giá như xăng, dầu qua đó ổn định được nền kinh tế.
Năm 2020 cũng là năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, kết lại nhiệm kỳ năm 2016 - 2020 nên đây là năm rất có ý nghĩa cho nhiệm kỳ sắp tới, qua đó ông Tuấn cho rằng thị trường chung sẽ có động lực để bức phá.
Ngoài ra, năm nay Việt Nam đảm nhận 2 vị trí là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc đây cũng là động lực để thị trường tiếp tục phấn đấu hỗ trợ cho sự phát triển của ngành bất động sản.
Đa dạng nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản 2020
Về nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ trở nên đa dạng hơn không chỉ đến từ dòng vốn ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng mà còn đến từ trái phiếu, đối tác chiến lược, dòng vốn FDI, thị trường chứng khoán...
Ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM nhận định, nguồn vốn các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động từ phát hành trái phiếu trong năm 2020 dự kiến sẽ tăng 80% - 90%, đạt 200 ngàn tỷ đồng, tiếp nối đợt bùng nổ trong năm 2019.
Dòng vốn cũng FDI sẽ tích cực hơn khi các dự án được khai thông. Tính đến ngày 20/12/2019, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới tăng thêm và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD tăng 7.2% so với cùng kỳ năm 2018, đây cũng là con số cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.
Thị trường chứng khoán cũng là một kênh huy động vốn hiệu quả đối với các doanh nghiệp BĐS. Hiện tại, vốn hóa các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng gần 23% TTCK tuy nhiên so với số lượng mã niêm yết là 120 mã, thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết. Qua đó, nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh vấn đề niêm yết sẽ góp phần giải quyết bài toán về vốn.
Tựu trung lại, trong năm sau thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển, dòng tiền cho các doanh nghiệp này không thiếu nhưng quan trọng là doanh nghiệp cần tìm ra hướng tiếp cận phù hợp - các vị chuyên gia cùng nhận định.
Như Xuân /FILI