![]() |
Bước đột phá thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giúp ngăn chặn những hậu quả thảm khốc sắp giáng xuống nền kinh tế. (Nguồn: Shutterstock) |
Ngày 12/5, Mỹ và Trung Quốc thống nhất ngừng áp thuế trong 90 ngày. Cụ thể, trong 90 ngày Mỹ sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức 145% hiện tại xuống còn 30%.
Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ hạ mức thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%.
Ngăn chặn những hậu quả thảm khốc
Theo CNN, mức thuế 145% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc là quá cao và không thể duy trì trong thời gian dài. Mức thuế này tương đương với một lệnh cấm vận thương mại thực sự.
Tin liên quan |
![]() |
Thực tế cho thấy, thuế quan không chỉ gây tổn thương cho đất nước tỷ dân mà còn tạo ra những xáo trộn không nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ.
Các công ty Mỹ đã cảnh báo về những tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Nguyên nhân nằm ở giá cả tăng cao và nguồn cung sản phẩm hạn chế hơn.
Các nhà sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đặc biệt lo ngại về khả năng Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và nam châm. Hàng hóa từ Bắc Kinh sang Washington đã giảm 21% vào tháng 4/2025 so với cùng kỳ năm trước.
Bà Erica York, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách thuế liên bang tại Tax Foundation cho rằng, bước đột phá thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giúp ngăn chặn những hậu quả thảm khốc sắp giáng xuống nền kinh tế Mỹ. Khi Mỹ "quay xe", không áp mức thuế 145% với Trung Quốc cho thấy, chính quyền đã nhận ra hậu quả của mức thuế này sẽ thảm khốc thế nào.
Trong khi đó, ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại công ty Bleakley Financial Group nhận định, quyết định của Mỹ và Trung Quốc là hành động "cứu Giáng sinh". Ông cho rằng, phía Washington đã lắng nghe những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt.
Ông Olu Sonola, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings hoan nghênh: "Đây là tin tốt cho cả hai nền kinh tế và cả kinh tế toàn cầu.
Rõ ràng, hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới đều nhận thức rõ, mức thuế quan vượt quá 100% sẽ gây tổn hại cho tất cả. Lạm phát tại Mỹ có thể tăng từ dưới 3% lên hơn 4%, trong khi tăng trưởng có thể giảm từ khoảng 2% xuống gần 1%. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên".
Dù thuế quan vẫn chưa trở lại mức trước nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, nhưng đã có thể giảm bớt đáng kể áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Tổng thể thì dễ, chi tiết sẽ rất khó
Bên cạnh sự lạc quan ban đầu, cần lưu ý rằng, căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc mới chỉ là sự hạ nhiệt tạm thời. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong 90 ngày tới.
Ông Olu Sonola nhận định, rủi ro lớn nhất là các cuộc đàm phán tiếp theo bị đổ vỡ.
"Dù tôi cho rằng khả năng này không cao, nhưng không thể xem nhẹ. Đàm phán tổng thể thì dễ, nhưng khi đi vào chi tiết sẽ rất khó. Dù vậy, điều tích cực là cả hai bên đều muốn giảm leo thang, nên kể cả khi có bất đồng, họ vẫn sẽ đối thoại thay vì leo thang trở lại. Cách tiếp cận hiện tại của cả hai bên là rất đáng khích lệ", ông Olu Sonola nói.
Nói cách khác, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể vẫn chưa kết thúc, mặc dù tình hình đã bớt tồi tệ hơn đáng kể. Và thuế quan không đột nhiên bị xóa vĩnh viễn.
CNN chỉ ra rằng, các mức thuế quan theo từng ngành vẫn còn hiện hữu, có thể áp dụng đối với gỗ xẻ, chất bán dẫn, dược phẩm, đồng, khoáng sản quan trọng và xe tải.
Những rủi ro kể trên khiến ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận thấy, khả năng suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ở mức 45% trong năm nay.
Đồng quan điểm, GS. Justin Wolfers tại Đại học Michigan cho hay, nguy cơ suy thoái ở Mỹ đã giảm mạnh nhưng vẫn giống như "tung đồng xu", ở mức khoảng 50/50.
Ngay chính ông chủ Nhà Trắng cũng thừa nhận vào ngày 12/5 rằng, thuế quan vẫn có thể tăng cao hơn đối với Trung Quốc.
Khi được hỏi liệu thuế quan có quay trở lại mức 145% hay không nếu không đạt được thỏa thuận nào sau 90 ngày, ông Trump trả lời: "Không, nhưng mức thuế sẽ cao hơn đáng kể. Nhưng tôi nghĩ, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận".