Giải Sách Hay (GSH) 2024 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 17 năm Dự án Khuyến đọc Sách Hay - một dự án văn hóa - giáo dục phi lợi nhuận nhằm “Góp phần nâng cao dân trí và khai minh xã hội thông qua các hoạt động đa dạng liên quan đến sách hay” được sáng lập bởi gần 100 nhân sỹ, trí thức, chuyên gia, nghệ sĩ, doanh nhân và được điều hành bởi Viện Giáo Dục IRED. Ra đời từ năm 2007, Dự án Khuyến đọc Sách Hay là nơi gợi mở các phong trào khuyến đọc ở Việt Nam như Ngày Sách Việt nam, Sách cho Trại giam, Sách cho Vùng khó,…
Là một hoạt động quan trọng thuộc Dự án Khuyến đọc Sách Hay, GSH là giải “độc lập” và “dân lập” về sách của Việt Nam có quy mô rộng rãi và uy tín hiện nay do học giả (tính chuyên gia) và độc giả (tính đại chúng) bình chọn. Suốt gần 2 thập kỉ qua, GSH luôn là một sự kiện văn hóa - giáo dục đáng chú ý, giúp công chúng có thêm nguồn để tiếp cận được những cuốn sách có giá trị, để từ đó không ngừng khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. GSH cũng là dịp cộng đồng mê sách cùng chia sẻ những góc nhìn, thông điệp quan trọng để phát triển văn hóa đọc và không ngừng lan tỏa tri thức.
Sự kiện thu hút đông đảo người tham dự là giới thức giả, chuyên gia, nghệ sĩ, doanh giới, giáo giới, báo giới và các độc giả mê sách
Năm nay, GSH 2024 tiếp tục công bố rộng rãi kết quả bình chọn của năm 2024 đến báo giới và công chúng mê sách với 07 hạng mục sách, bao gồm: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới. (*Chi tiết về Kết quả GSH 2024, Quý vị vui lòng xem thông tin các trang bên dưới).
Phát biểu khai mạc, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, Thành viên Hội đồng trao giải, Trưởng Ban tổ chức GSH chia sẻ: “Từ ngày ra đời, GSH đã mang trong mình sứ mệnh: Góp phần lựa chọn sách hay và quảng bá sách hay nhằm khuyến đọc sách hay; đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ.
Nhiều người hỏi tôi rằng, trong thời đại số, thông tin và tri thức đầy rẫy trên môi trường số thì liệu sách có còn quan trọng như trước không. Tôi tin rằng, dù thông tin và tri thức tràn ngập, thì những tri thức nền tảng và tri thức tinh hoa cơ bản vẫn nằm trong sách, nhất là sách hay và sách quý. Và miễn sách còn giá trị thì khuyến đọc vẫn sẽ còn giá trị trong bối cảnh mới.”
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, Thành viên Hội đồng Trao giải,
Trưởng Ban Tổ chức Giải Sách Hay phát biểu khai mạc
PGS.TS. Đinh Hồng Hải - Đại diện Hội đồng xét giải hạng mục sách Nghiên cứu - bày tỏ: “GSH tìm kiếm và gạn lọc những gì tinh túy nhất trong hàng trăm nghìn cuốn sách được xuất bản hằng năm. Điều này vô cùng quý báu trong thời đại ngày nay, vì dù thời cuộc có biến chuyển, có đổi thay như thế nào đi nữa thì sách vẫn luôn là bộ não mà nhân loại đã tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử, và là cái còn lại cuối cùng sau khi tất cả chúng ta trở về cát bụi.”
TS. Bùi Trân Phượng - Đại diện Hội đồng Xét giải của hạng mục sách Giáo dục - xúc động chia sẻ: “Thông qua các tác phẩm, chúng tôi đồng cảm sâu sắc với ước vọng và mong mỏi của tác giả về nghề giáo và về ngành giáo dục. Cùng với GSH, chúng tôi khao khát góp chút sức mạnh để ước vọng của các tác giả đi vào người đọc - những người yêu giáo dục, quý trọng giáo dục trong toàn xã hội.”
Ông Vũ Trọng Đại - Đại diện Công ty sách Times cũng bày tỏ: “Là một doanh nghiệp xuất bản, chúng tôi mong muốn góp phần đóng góp cho mong muốn học tập suốt đời của người Việt Nam tương ứng với những bước chuyển của thời đại. GSH là động lực để chúng tôi bền bỉ cho đến tận hôm nay để mang đến nhiều tựa sách có giá trị đến với độc giả Việt Nam.”
Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến - đồng chủ biên “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh”, sách đoạt giải hạng mục Sách Kinh tế cũng chia sẻ: “Với tôi, GSH không chỉ là lời động viên cho các tác giả mà còn là lời nhắc nhở rằng những người thích viết và khát khao viết, những người có tâm huyết với xã hội và đất nước, hãy gửi gắm những kinh nghiệm, những điều mình học hỏi để thúc đẩy thế giới này không ngừng phát triển qua những tựa sách hay.”
Ông Lê Hoàng - Giám đốc đường sách TP.HCM - một người yêu mến GSH chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi nhìn thấy khuynh hướng xuất bản của nước ta ngày càng tốt đẹp, đó chính là góp phần xây dựng và hoàn thiện con người, hướng người đọc đến những giá trị yêu thương, lòng trung thực và sự tử tế. GSH qua những lần công bố giải thưởng sẽ thúc đẩy người viết và khuynh hướng viết ngày càng cần thiết và giá trị cho sự nghiệp giáo dục của xã hội chúng ta.”
Giải Sách Hay và Dự án Khuyến đọc với hành trình 17 năm bền bỉ thúc đẩy xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ khắp mọi miền đất nước.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, bắt đầu từ năm 2007, Dự án Khuyến đọc Sách Hay và Giải Sách Hay đã hân hạnh được vinh danh và làm sống lại những tựa sách kinh điển có, đương thời có, gần gũi với giới trẻ cũng có. Với lòng nhiệt thành của các học giả, chuyên gia, doanh nhân và độc giả, GSH tin rằng thông điệp từ những cuốn sách hay ngày hôm nay không chỉ gói gọn ở khán phòng này, mà sẽ còn được lan tỏa đến hàng vạn người yêu sách, tiếp tục gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ khắp mọi miền đất nước.
Một số thành viên trong Hội đồng Trao giải của Giải Sách Hay 2024
Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, đồng chủ biên sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” - đoạt Giải Sách Hay 2024, Hạng mục Sách Kinh tế (Thể loại sách viết)
TS Quách Thu Nguyệt, Thành viên Hội đồng Trao giải, công bố Giải Sách Hay 2024, Hạng mục Sách Thiếu nhi
GS Huỳnh Như Phương, tác giả sách “Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục” - đoạt Giải Sách Hay 2024, Hạng mục Sách Giáo dục (Thể loại sách viết)
PGS Phạm Văn Quang, tác giả sách “Xã hội học tri thức - Trường lực tri thức miền Nam Việt Nam hậu thuộc địa” - đoạt Giải Sách Hay 2024, Hạng mục Sách Nghiên cứu (Thể loại sách viết)
TS Phạm Kiều Ly, tác giả sách “Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)” - đoạt Giải Sách Hay 2024, hạng mục Phát Hiện Mới
- Hạng mục Sách Nghiên cứu (2 tựa sách): Tác phẩm: Xã hội học tri thức - Trường lực tri thức miền Nam Việt Nam hậu thuộc địa (Tác giả: Phạm Văn Quang); Dịch phẩm: Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều (Tác giả: Vargyas Gábor, Dịch giả: Giáp Thị Minh Trang, Hiệu đính: Đinh Hồng Hải, Vũ Tuyết Lan)
- Hạng mục Sách Giáo dục (2 tựa sách): Tác phẩm: Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục (Tác giả: Huỳnh Như Phương); Dịch phẩm: Future Wise - Điều gì đáng học cho tương lai? (Tác giả: David N. Perkins, Dịch giả: Khải Nguyễn)
- Hạng mục Sách Kinh tế (2 tựa sách): Tác phẩm: Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh (Tác giả: Trần Văn Thọ - Trần Hữu Phúc Tiến (đồng chủ biên)); Dịch phẩm: Kinh tế học về Tiền, Ngân hàng và Thị trường Tài chính (Tác giả: Frederic S. Mishkin, Dịch giả: Phan Trần Trung Dũng).
- Hạng mục Sách Quản trị (2 tựa sách): Tác phẩm: Chiến lược - Cơ chế - Con người: Thế kiềng 3C của tồn vinh doanh nghiệp (Tác giả: Tôn Thất Nguyễn Thiêm); Dịch phẩm: Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ 21 (Tác giả: Mustafa Suleyman, Michael Bhaskar, Dịch giả: Vũ Hoàng Linh, Sơn Phạm, Quỳnh Anh, Hiệu đính: Đào Trung Thành).
- Hạng mục Sách Văn học (2 tựa sách): Tác phẩm: Nắng thổ tang (Tác giả: Đinh Phương); Dịch phẩm: Ba màn kịch (Tác giả: Jon Fosse, Dịch giả: Thiên Nga).
- Hạng mục Sách Thiếu nhi (2 tựa sách): Tác phẩm: Đại náo nhà ông ngoại (Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy); Dịch phẩm: Chú heo giáng sinh (Tác giả: J.K. Rowling, Dịch giả: Mai Ba).
- Hạng mục Sách Phát hiện mới: Bộ 2 cuốn gồm: Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) (Tác giả: Phạm Thị Kiều Ly; Dịch giả: Thanh Thư) & 100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ (Tác giả: Phạm Thị Kiều Ly).
A.N