xuân

‘Cởi trói’ cho bệnh viện công lập trong mua sắm hàng hoá, thiết bị y tế

(Chinhphu.vn) – Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT “cởi trói” cho bệnh viện công lập về những khó khăn trong thủ tục xây dựng các gói thầu, đặc biệt là việc xác định giá các gói thầu mua sắm hàng hoá, vật tư, trang thiết bị y tế trong bối cảnh cấp bách hiện nay.

Thông tư 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế cụ thể hoá Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Nghị quyết số 30/NQ-CP có quy định "cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023" và giao Bộ Y tế xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị trong quý II/2023. 

Theo ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Thông tư 14 ban hành ngày 30/6 có hiệu lực trong 6 tháng, từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2023. Từ 1/1/2024, Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực thi hành và các đơn vị liên quan sẽ xây dựng các văn bản mua sắm đặc thù trong lĩnh vực y tế để chính sách được ổn định lâu dài, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía bắc - chia sẻ, Thông tư 14 là văn bản quan trọng, đã tháo gỡ được khó khăn cấp bách liên quan tới việc xác định giá của các gói thầu tại các bệnh viện công lập.

Trước đây, để xác định được giá của các gói thầu mua sắm hàng hoá, vật tư, trang thiết bị y tế, bệnh viện phải có 3 báo giá. Trên thực tế, có những máy móc, vật tư, thiết bị chỉ có 1 đến 2 nhà cung cấp trên thị trường, nên không thể có 3 báo giá theo quy định. Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn này.

Các bệnh viện đã có thể lựa chọn mua sắm được vật tư, hàng hoá, thiết bị chỉ có 1 đến 2 nhà cung cấp và có quyền lựa chọn đặc tính, cấu hình của các máy móc, thiết bị, vật tư y tế cần sử dụng trong bệnh viện, phù hợp tài chính của bệnh viện.

"Đây là điểm rất mới, các bệnh viện sẽ tránh được tình trạng phải mua vật tư giá thấp, hay các máy móc, thiết bị khi hỏng, rất khó để mua sắm linh kiện thay thế… Hiện tại, Thông tư 14 đã cơ bản giải quyết những khó khăn này", ông Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Lãnh đạo nhiều bệnh viện khác cũng chia sẻ, sau thời gian dài vừa làm vừa chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, đến nay, các bệnh viện đã có thể mua sắm hàng hoá, trang thiết bị y tế theo Thông tư 14 để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Thông tư cũng đã mở rộng phạm vi đến vấn đề sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Cụ thể, nhiều máy công nghệ cao phục vụ chụp chiếu thường ngày cho người dân chỉ có thể thay thế linh kiện của chính hãng máy đó. Trước đây, nếu muốn sửa chữa, bảo dưỡng thì phải có 3 báo giá. Thông tư 14 hướng dẫn rõ, trong trường hợp bảo dưỡng máy móc, bệnh viện có thể có 1 đến 2 báo giá, chủ đầu tư sẽ giao hội đồng xem xét, lựa chọn mà không phải chờ đủ 3 báo giá.

Mặc dù đã được "cởi trói", nhưng nhiều bệnh viện vẫn còn băn khoăn, lo lắng về việc thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian tới, do hiện nay, nguồn cung từ các nhà cung cấp đang bị thiếu. Thậm chí, có hạng mục mời thầu nhiều lần, nhưng chỉ có 1-2 nhà thầu, hoặc không có nhà thầu nào tham gia. Nguyên nhân do đơn vị nhập khẩu cũng gặp khó khăn về nguồn cung từ nước ngoài, nên nguồn hàng bị gián đoạn, không có hàng hoặc phải chờ hàng rất lâu.

Những điểm mới của Thông tư 14

Theo ông Dương Đức Thiện, với Thông tư 14, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư sẽ xác định giá gói thầu theo một trong 3 phương pháp sau đây:

Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp.

Khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.

Thông tư này quy định phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.

Như vậy, khắc phục được tình trạng một số cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất, nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh.

Khi xây dựng giá gói thầu, chủ đầu tư quyết định việc thành lập hội đồng, hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn để đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, hoặc trên cổng thông tin điện tử… trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công.

Chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 1 hoặc 2 báo giá) và quyết định giá gói thầu.

Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 nhà cung cấp, hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền, hoặc cần triển khai ngay... chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

Đối với phương pháp xây dựng giá gói thầu theo kết quả khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự, chủ đầu tư thực hiện rà soát kết quả trúng thầu đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đối với phương pháp xây dựng giá theo kết quả thẩm định giá, chủ đầu tư thực hiện lựa chọn đơn vị thẩm định giá, được sử dụng kết quả do cơ quan thẩm định giá cung cấp để xây dựng giá gói thầu.

Hiền Minh