Khó khăn tiếp cận tín dụng ngân hàng vẫn là câu chuyện muôn thuở với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - lực lượng chiếm gần 98% số lượng doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp nhằm mổ xẻ nguyên nhân và tìm giải pháp.
Từ thực tế hoạt động, vay vốn ngân hàng, ông Vũ Công Huân, Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn HDC - một công ty xuất nhập khẩu và phân phối thủy sản trong nước cho biết, doanh nghiệp đang phải đối diện với những khó khăn chưa từng có, 6 tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu thuỷ sản giảm đã giảm từ 25-27% đơn hàng. Tuy nhiên, khi có khi doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối trong nước thì lại vướng vấn đề vốn khiến doanh nghiệp chỉ đáp ứng đủ 30-35% đơn khách hàng đặt.
Ông Huân cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang được cấp tín dụng từ 3 ngân hàng với hạn mức được cấp khoảng 80 tỷ đồng nhưng giải ngân tín chấp lại chỉ đạt 8-10 tỷ đồng (10% hạn mức). Ngân hàng cho biết, muốn được giải ngân hết, doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm. "Đây là điều kiện gần như các DNNVV không thể đáp ứng được. Nên dù báo cáo tài chính, dòng tiền rất tốt, khách hàng đều là những doanh nghiệp đầu chuỗi và trong 4 năm gần nhất, chưa 1 lần dòng tiền chậm quá 5 ngày thì doanh nghiệp vẫn không thể vay được đủ vốn cần có", ông Huân nói.
Theo đó, vị giám đốc này đề xuất, mong muốn có sự chia sẻ, tin tưởng từ phía ngân hàng với DNNVV như DN này. "Doanh nghiệp tin nhau, sẵn sàng thu mua của người nông dân trả tiền mặt nhưng 2 tháng sau mới thu tiền của khách hàng. Vì vậy, cũng mong các ngân hàng sẽ chấp nhận khoản phải thu làm thế chấp, đồng hành cùng doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt để DNNVV dễ tiếp cận tín dụng hơn".
Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ "ảm đạm" như hiện nay. Chỉ có 3 chỉ số vĩ mô có vẻ tốt gồm: tăng thu ngân sách nhà nước; tiêu dùng dịch vụ; và cán cân thương mại. Tuy nhiên, thặng dư cán cân thương mại lại chủ yếu đến từ việc nhập khẩu giảm nhanh và nhiều hơn xuất khẩu.
Theo đó, ông Cung cho rằng, hơn lúc nào hết, chính sách tiền tệ không phải là công cụ vạn năng, đây là cần sự vào cuộc của chính sách tài khoá. "Giải pháp đầu tiên và có thể làm được ngay là không thảo luận gì tới tăng thu ngân sách, cùng với đó là không đặt ra chỉ tiêu tăng thu ngân sách. Một nền kinh tế ảm đạm không thể tăng thu ngân sách được. Doanh nghiệp đang khó khăn, một mặt chúng ta cho rằng cần hỗ trợ, một mặt lại tăng thu, là hai chính sách đối nghịch nhau", ông Cung nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, từ nay tới cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể giảm thêm lãi suất điều hành ở mức độ vừa phải để khẳng định xu hướng lãi suất của Việt Nam là giữ vững, ổn định ở mức thấp, hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.
Theo ông Định Trọng Thịnh, lãi suất liên quan mật thiết tới lạm phát, tỷ giá, vì vậy NHNN cũng cần hết sức linh hoạt các công cụ. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, khó khăn tiếp cận vốn của DN thực tế không phải chỉ vì lãi suất cao. Muốn tăng khả năng tiếp cận vốn, các ngân hàng thương mại nên xem xét lại quy trình vay vốn nhằm đơn giản hoá tới mức tối đa, thiết kế các sản phẩm phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Giảm lãi suất không phải "đôi đũa thần"
Ông Trần Long, Phó TGĐ BIDV cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 4,73% - rất thấp, chỉ tương đương năm 2020. Nguyên nhân chính là nhu cầu vốn của nền kinh tế sụt giảm rõ rệt do đơn hàng, đầu ra của doanh nghiệp sụt giảm, phương án kinh doanh, dự án khả thi ít.
Ngoài ra, dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng nguyên nhân chủ quan với DNNVV Việt Nam là chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân, năng lực quản trị chưa thực sự tốt, còn tồn tại thực trạng báo cáo tài chính gửi ngân hàng một kiểu, báo cáo thuế số liệu khác, không đồng nhất, dẫn tới ngân hàng khó đánh giá dòng tiền của DN để hỗ trợ.
Phó TGĐ BIDV khẳng định, ngân hàng huy động thì phải cho vay, nếu không cho vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, có nhiều thực tế phát sinh khiến ngân hàng khó xử:
"Sau khi Chính phủ, NHNN ban hành Thông tư 02 tạo điều kiện cho ngân hàng tái cơ cấu nợ cho DN, nhưng khi xét hồ sơ mới thấy, một doanh nghiệp quan hệ tín dụng cùng lúc với 5, 7 ngân hàng khiến cho TCTD muốn cơ cấu lại nợ cho DN cũng thấy "nản lòng", ông Long nói.
Theo đó, đại diện BIDV cho rằng, muốn nâng cao năng lực tiếp cận vốn của DNNVV, trước tiên cần phải nâng cao hiểu biết của DN về mặt pháp lý, để cùng chia sẻ lợi ích, cũng như rủi ro với ngân hàng. Cùng với đó, ngành ngân hàng hiện cũng đang rất nỗ lực, cung cấp nhiều giải pháp không chỉ hỗ trợ tài chính, mà còn nâng cao năng lực quản trị, tạo môi trường kết nối giữa DNNVV với nhau, hợp tác kinh doanh, sản xuất.
Lắng nghe ý kiến DN, chuyên gia, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Có điều kiện Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành, nếu không, các ngân hàng thương mại cũng sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí", Phó Thống đốc nói. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, chính sách tiền tệ không phải là "đôi đũa thần", việc khơi thông nhu cầu vốn của nền kinh tế không thể dựa hết vào công cụ này mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.