xuân

Chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc – Động lực phát triển ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam

Nhịp Sống Sài Gòn

TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 7 năm 2025 – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ từ sáng kiến Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women, gọi tắt là IW) của Chính phủ Australia, đã tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề: "Chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc – Động lực phát triển của ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam hướng tới bình đẳng giới và chăm sóc toàn diện."

Bối cảnh và Nhu cầu cấp thiết

Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2011 và đang được xếp vào nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2024, số lượng người dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên đã lên tới 14,2 triệu người, tăng tới 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo không xa, đến năm 2030, con số này sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tiếp tục gia tăng gần 4 triệu người chỉ trong vòng 6 năm.

z6772221606629-530b525feaaa2a7185e23336dc63c67c-1751638504.jpg

Khách mời tham gia sự kiện chiều ngày 4/7/2025

Sự gia tăng nhanh chóng của nhóm dân số cao tuổi đồng nghĩa với việc gia tăng các thách thức về y tế và xã hội, dẫn đến nhu cầu cấp thiết về các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc dài hạn chất lượng cao cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy trung bình một người cao tuổi Việt Nam hiện đang phải sống chung với nhiều bệnh lý mạn tính, đòi hỏi sự chăm sóc chuyên biệt và liên tục. Trong khi đó, mô hình gia đình truyền thống đang dần thay đổi, cùng với áp lực công việc và cuộc sống, khiến khả năng chăm sóc toàn diện tại gia đình của con cháu bị hạn chế đáng kể. Điều này thúc đẩy sự cần thiết phải phát triển một ngành dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp và bài bản.

Tầm quan trọng của việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc

ong-tran-ngoc-liem-giam-doc-lien-doan-thuong-mai-va-cong-nghiep-viet-nam-vcci-chi-nhanh-khu-vuc-tp-hcm-1751673596.jpg

Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh – nhấn mạnh mục tiêu và ý nghĩa của sự kiện: “Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các bên liên quan để cùng thảo luận về tiềm năng phát triển, những thách thức hiện tại và cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là thông qua việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên chăm sóc. Chúng tôi tin rằng đây là một bước đi chiến lược, không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi mà còn mở ra một lĩnh vực kinh tế - xã hội đầy tiềm năng."

ba-sarah-hooper-tong-lanh-su-australia-tai-tp-hcm-1751673596.jpg

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM

Hội thảo cũng vinh dự đón tiếp đại diện từ Chính phủ Australia, một đối tác quan trọng trong nhiều chương trình phát triển tại Việt Nam. Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM chia sẻ: "Australia rất vui mừng hỗ trợ mối quan hệ hợp tác giữa sáng kiến Đầu tư cho Phụ nữ và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh, phối hợp cùng Melbourne Polytechnic và Bệnh viện Hồng Đức, thực hiện chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc. Đây là hành động thể hiện cam kết chung nhằm xây dựng một xã hội bao trùm, công bằng và nhân ái. Dự án hỗ trợ các nhân viên chăm sóc tiếp cận chương trình đào tạo bài bản, đạt được mức lương tương xứng với năng lực và cơ hội nghề nghiệp ý nghĩa, đồng thời đảm bảo chất lượng của dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Việc xây dựng nền kinh tế chăm sóc vững mạnh sẽ giảm bớt trách nhiệm chăm sóc không được trả lương của phụ nữ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia vào nền kinh tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam."

Dự án GRACE – Bước tiến chiến lược cho ngành chăm sóc

Trong khuôn khổ Hội thảo, Dự án Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi – GRACE đã chính thức được công bố. Dự án ra đời với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, đồng thời mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho lao động trung niên và khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân vào ngành dịch vụ chăm sóc (caregiving).

GRACE không chỉ là một dự án đào tạo, mà còn hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển bền vững cho nghề chăm sóc không y tế (non-medical caregiving). Trong đó, nhân viên chăm sóc (caregiver) – đặc biệt là những người lao động trung niên – sẽ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với các chương trình học nghề bài bản, tìm kiếm việc làm phù hợp và quan trọng hơn là được công nhận xứng đáng về mặt chuyên môn và xã hội. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần định hình một lĩnh vực nghề nghiệp mới mang tính nhân văn sâu sắc, có triển vọng phát triển bền vững và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội hiện đại.

ba-bui-thi-ninh-pho-giam-doc-lien-doan-thuong-mai-va-cong-nghiep-viet-nam-vcci-chi-nhanh-khu-vuc-tp-ho-chi-minh-1751673596.jpg

Bà Bùi Thị Ninh - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TPHCM trình bày bức tranh tổng thể về người cao tuổi và nhu cầu chăm sóc

Bà Bùi Thị Ninh – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tầm nhìn về việc chuyên nghiệp hóa nghề này: “Hiện tại, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam là rất lớn. Nhưng đa số người làm việc chăm sóc hiện nay là tự phát, chỉ làm công việc dựa trên kinh nghiệm, không qua đào tạo bài bản, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đồng đều và đôi khi thiểu tỉnh chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nghề chăm sóc chưa được chính thức công nhận là một nghề chính thống, nên nhân viên làm nghề chăm sóc chưa được coi trọng và không được trả công xứng đáng. Điều này dẫn đến việc nhân lực cho ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thiếu hụt trầm trọng. Chúng tôi tin rằng việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc thông qua Dự án GRACE không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội mà còn là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi Việt Nam.”

phien-thao-luan-1751673596.jpg

Các đại biểu chia sẻ giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi và chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc

GRACE cam kết nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo cho nhân viên chăm sóc thông qua việc phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành nghề và tổ chức giáo dục-đào tạo uy tín. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam hình thức đào tạo cấp vi bằng được áp dụng trong dự án GRACE thông qua sự hợp tác với Trường Melbourne Polytechnic (Úc). Đây là một hình thức đào tạo hiện đại và linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu thay đổi về kỹ năng trong thị trường lao động hiện nay. Điều này không chỉ giúp nâng cao vị thế, chuyên môn mà còn đảm bảo mức thu nhập ổn định và xứng đáng cho người lao động trong ngành.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Nội vụ cùng đại diện doanh nghiệp, các tổ chức quần chúng như Trung ương Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ Việt Nam TP. HCM... Hội thảo kết thúc với phiên thảo luận sôi nổi và những cam kết hành động từ các bên, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam, hướng tới một xã hội nơi người cao tuổi được chăm sóc toàn diện và nhân viên chăm sóc được công nhận xứng đáng.

N.A