xuân

Chuyện gì đang xảy ra với thị trường bất động sản dù liên tục đón cú huých chính sách?

Không khí trầm lắng tiếp tục bao trùm thị trường bất động sản dù liên tục đón cú huých từ chính sách. Chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn triệt để cho thị trường cần khơi vướng mắc về pháp lý.

Từ cuối năm 2022 tới nay, Chính phủ liên tục có chỉ đạo nóng nhằm tháo gỡ, vực dậy thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực giúp thị trường địa ốc sớm dậy.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng nhận định rằng: “Thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại”.

Cũng theo Bộ Xây dựng, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý II/2023 thị trường diễn biến tích cực hơn quý đầu năm nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm “đảo chiều”.

Theo VARS, các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ đã phát huy tác dụng “động viên”, “khích lệ”, “trấn an tinh thần” cho các chủ thể tham gia thị trường. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải gấp rút chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

“Giai đoạn tác động trực diện giống như bác sĩ trước cuộc phẫu thuật. Ngay sau khi động viên tinh thần, trấn an bệnh nhân phải nhanh chóng tiến hành các thao tác thủ thuật. Bởi chỉ khi nào cuộc phẫu thuật thành công thì lúc đó vấn đề của người bệnh mới được giải quyết dứt điểm. Càng để lâu, càng chần chừ, càng gây nguy hiểm cho người bệnh

Nguồn vốn – Quỹ đất – Chính sách tạo thế kiềng ba chân, nhưng hiện không phải là trụ đỡ giúp thị trường vực dậy mà đang như trụ lưới bủa vây thị trường, khiến thị trường chưa thể thoát ra được. Xác định đúng vị trí các điểm nghẽn và xử lý theo đúng trình tự vẫn là yếu tố cốt lõi. Bởi lẽ, nếu điểm nghẽn trước chưa thông thì việc thông điểm nghẽn sau về bản chất không giải quyết được vấn đề”, VARS cho hay.

Đơn vị này nêu rõ, hiện nay vẫn còn hiện tượng “chuyền bóng”, “đùn đẩy”, “trốn tránh trách nhiệm” trong một số bộ phận cán bộ quản lý Nhà nước khiến cho các thủ tục pháp lý bị trì trệ, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, thị trường ghi nhận điểm sáng ở một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, đặc biệt là TP. HCM,...với sự tham gia tích cực từ phía cơ quan quản lý địa phương trong công tác phê duyệt dự án, giải quyết triệt để các vướng mắc của từng dự án cụ thể.

Chuyện gì đang xảy ra với thị trường bất động sản dù liên tục đón cú huých chính sách? - Ảnh 1.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp muôn trùng khó khăn, song vấn đề lớn nhất không phải tài chính mà từ pháp lý. Vị này đặt vấn đề, quy trình thủ tục pháp lý vẫn vậy, nhưng tại sao trước kia các doanh nghiệp làm được, còn bây giờ thông thoáng hơn lại bị tắc?

“Liên tục có những văn bản, Thông tư, Nghị định để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản nhưng đến nay thị trường vẫn chưa thấy có chuyển biến rõ nét. Thị trường bất động sản đang gặp vấn đề rất oái oăm là nguồn cung không có, giá vẫn cao và không có người mua. Bây giờ lãi suất giảm xuống nữa cũng chưa chắc có nhiều nhà đầu tư xuống tiền, bởi đây là giai đoạn nhạy cảm.

Những nhà đầu tư có tiền hiện đa phần lựa chọn bài toán an toàn là gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào tài sản khác ổn định và có tính thanh khoản cao. Do đó, hiện nay rất khó xác định thị trường giai đoạn tới sẽ đi lên hay tiếp tục đi xuống”, vị này chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, nếu lãi suất tiếp tục giảm, thị trường có thể phục hồi một phần, bởi điều này sẽ tác động đến quyết định mua của những người có nhu cầu thực. Còn với góc độ những nhà đầu tư, trong trường hợp có sản phẩm tốt, họ mới xuống tiền, nếu không vẫn tiếp tục trong trạng thái nghe ngóng.

Theo đó, từ nay tới cuối năm thị trường bất động sản sẽ không có sự đột phá, giao dịch có nhưng không nhiều. Về nguồn cung của các dự án, chịu ảnh hưởng nhiều từ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai. Trong khi các luật này đều đang sửa và chưa được thông qua. Theo đó, tất cả đều vẫn trong trạng thái chờ đợi.

“Sang năm 2024, diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, bởi khó khăn hiện nay đã lan tới cả các ngành khác. Và hầu hết các ngành kinh tế đều khó khăn. Bây giờ tất cả khó khăn thì làm sao có tiền mua bất động sản. Với người bán cũng vậy, bây giờ bán nhà rất khó, càng giá trị cao càng khó bán”, vị này nói.