xuân

Chính thức là nhân tố mới của BRICS, quốc gia Đông Nam Á này đã 'tính toán' thế nào trong quan hệ với phương Tây?

Indonesia ngày 6/1 đã chính thức trở thành thành viên BRICS - một diễn đàn quốc tế do Nga và Trung Quốc dẫn đầu, đang nổi lên như một xu hướng liên kết mới của các nước đang phát triển trên toàn cầu. Liệu với một cấp độ hợp tác mới, chặt chẽ hơn với các đối tác Nam bán cầu, Jakarta có thể duy trì được tình bạn với phương Tây?

Chính thức là một phần của BRICS, quốc gia Đông Nam Á này phải 'tính toán' thế nào với phương Tây?
Chính thức là một phần của BRICS, quốc gia Đông Nam Á này phải 'tính toán' thế nào với phương Tây? (Nguồn: weeklyblitz.net)

Như vậy, cùng sự góp mặt của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và cũng là quốc gia đông dân nhất khu vực, Nhóm các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới (BRICS) chính thức có 10 thành viên (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, UAE, Ai Cập, Ethiopia, Indonesia) và 8 quốc gia đối tác, chiếm khoảng một nửa dân số toàn cầu và hơn 41% GDP thế giới, tính theo sức mua tương đương (PPP).

Nhân tố mới của BRICS

Tờ DW của Đức bình luận, liên tục bổ sung các thành viên mới và đối tác, BRICS đang tìm cách củng cố danh tiếng của mình như một giải pháp đối trọng với Nhóm G7 gồm các nền kinh tế phát triển do Mỹ dẫn đầu.

"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, BRICS là một nền tảng quan trọng để Indonesia tăng cường hợp tác Nam-Nam và đảm bảo tiếng nói, cũng như nguyện vọng của các quốc gia Nam bán cầu được đại diện tốt hơn trong các quy trình ra quyết định toàn cầu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Rolliansyah Soemirat nói.

Như người phát ngôn này chia sẻ, Jakarta "cam kết đóng góp vào các chương trình nghị sự mà BRICS thảo luận, bao gồm các nỗ lực thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế, hợp tác công nghệ và sức khỏe cộng đồng".

Năm 2023, cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã từ chối vào BRICS với lý do Jakarta vẫn đang cân nhắc ưu, nhược điểm và không muốn "vội vàng tham gia". Đương kim Tổng thống Prabowo Subianto, người đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024, dường như đã trả lời xong mọi toan tính, quyết tâm đi bước quyết định trong BRICS.

Tờ DW cho rằng, sự thay đổi ở Jakarta báo hiệu nhiều vấn đề hơn chỉ là một sự thay đổi đơn thuần về một chính phủ mới. Với trật tự toàn cầu do phương Tây lãnh đạo đang bị coi là khá rạn nứt về mặt chính trị, suy yếu do bất ổn kinh tế và các cuộc xung đột quân sự ở Ukraine và Trung Đông, khiến các quốc gia Nam Bán cầu ngày càng sẵn sàng xích lại gần Bắc Kinh và Moscow. Điều này có nguy cơ khiến Washington nổi cơn tức giận.

Hơn 30 quốc gia khác, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... hiện đã bày tỏ sự quan tâm hoặc chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS.

Sự phát triển của BRICS thành một khối địa chính trị lớn hơn cũng được thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một thế lực kinh tế và chính trị toàn cầu. Với tiềm lực mạnh và ngày càng có chỗ đứng trong các xu hướng kinh tế mới, Bắc Kinh thường xuyên kêu gọi một trật tự thế giới "đa cực", một cơ sở hạ tầng an ninh và tài chính không chỉ do Mỹ thống trị.

Các thành viên BRICS cũng thường thảo luận về sự thống trị toàn cầu của đồng USD và nhu cầu về các khuôn khổ tài chính thay thế giữa các quốc gia.

Về mặt ngoại giao, BRICS trở nên rất quan trọng đối với cả Trung Quốc và Nga, như một biểu tượng trong bối cảnh đa cực mới nổi này. Điều đó được khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 do nước Chủ tịch - Nga tổ chức. Moscow đã cho thấy họ vẫn có rất nhiều bạn bè trên khắp thế giới, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bình luận về quyết định gia nhập BRICS của Indonesia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ca ngợi quốc gia Nam Á này là "một quốc gia đang phát triển lớn và là một thế lực quan trọng ở Nam Bán cầu".

Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, điều quan trọng cần lưu ý là BRICS không phải là một "câu lạc bộ" công khai chống phương Tây. Indonesia, cũng giống như Ấn Độ, thành viên sáng lập BRICS, có mối quan hệ tốt với các nước phương Tây và không có khả năng đứng về phe nào trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và các đối thủ của nước này.

"Indonesia không có ý định tách khỏi phương Tây dù là chậm hay ngay lập tức", nhà nghiên cứu M. Habib Abiyan Dzakwan, tại Khoa Quan hệ quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Indonesia khẳng định.

Nhà nghiên cứu của CSIS lưu ý rằng, "trong chính sách đối ngoại của Indonesia, tất cả đều là bạn bè như Tổng thống Subianto Prabowo đã tuyên bố" và Jakarta "chỉ muốn mở rộng sân chơi của mình".

"Nếu Indonesia có thể duy trì lập trường không liên kết và tác động đến chương trình nghị sự BRICS bằng quan điểm bao trùm của mình - không loại trừ hoặc phủ nhận phương Tây, tôi nghĩ rằng tư cách thành viên có thể không có nhiều tác động đến mối quan hệ của Jakarta với phương Tây", vị chuyên gia này nhận định.

Trong khi đó, Phó giáo sư Teuku Rezasyah, một chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học Padjadjaran ở Tây Java, lại cho rằng - Indonesia có thể đóng vai trò là "người cân bằng" trong BRICS, đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ với Mỹ và EU. Vị này khá tin tưởng rằng, "là một cường quốc tầm trung, việc trở thành thành viên của BRICS sẽ giúp Indonesia có đòn bẩy trong trật tự toàn cầu".

Củng cố vị thế của Indonesia

Sau các đợt mở rộng, BRICS hiện bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn với một số quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu trong số các nước đang phát triển.

Các nhà phân tích của Bloomberg Economics cho rằng, việc BRICS ngày càng mở rộng có thể khiến liên minh này trở thành đối trọng mạnh hơn so với Nhóm G7 – Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng vào cuối tháng này với nhiều quan điểm khiến nhiều đối tác phải lo lắng. Washington được dự đoán sẽ nhanh chóng ra quyết định rút lui khỏi các cam kết đa phương. Trong khi đó, nhắm vào BRICS, ông Trump hồi tháng 11/2024 đã từng lên tiếng đe dọa các thành viên của khối này rằng - sẽ bị cắt đứt khỏi nền kinh tế Mỹ nếu một "đồng tiền BRICS" được tạo ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, TS. Alexander Raymond Arifianto, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), tin rằng, cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump có thể mang đến cho Indonesia cơ hội xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong các tổ chức khu vực.

Theo nhà nghiên cứu quốc tế này, "việc xây dựng quan hệ đối tác cùng có lợi với các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ không chỉ củng cố vị thế không liên kết của khu vực trong một trật tự địa chính trị ngày càng bất ổn mà còn củng cố vị thế của Indonesia với tư cách là một nước lãnh đạo ASEAN, cũng như uy tín đa phương của nước này vào thời điểm Mỹ đang hướng tới chủ nghĩa đơn phương".

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })