Ông Nguyễn Anh Phong (Đồng Nai) hỏi, nếu các trường bố trí dạy nhiều học kỳ, lịch học, lịch dạy liên tục và cho rằng giảng viên không được nghỉ hè theo quyền ban hành quy chế của Hiệu trưởng không cho nghỉ hè thì có đúng quy định của tinh thần của Luật Giáo dục và Nghị định số 84/2020/NĐ-CP không?
Khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 quy định: "Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần".
Ông Phong hỏi, trường hợp nhà trường không hề có thông báo về phép năm và lịch nghỉ phép nhưng nếu giảng viên nào không nghỉ thì không cho phép cộng dồn phép năm để nghỉ, không hề có thông báo hay báo trước thì có đúng quy định không?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Hiện nay, chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học, bao gồm: 52 tuần - 8 tuần (nghỉ hè, lễ, tết) = 44 tuần.
Từ đó, số giờ làm việc/năm học của giảng viên là: 44 tuần x 40 giờ = 1.760 giờ (hành chính).
Do đặc thù nghề nghiệp giảng dạy của giảng viên đại học nên đối với viên chức giữ ngạch giảng viên: Thời gian nghỉ ngơi (bao gồm cả nghỉ phép) là thời gian nghỉ hè, lễ, tết (trùng với lịch nghỉ hè, lễ, tết của sinh viên theo quy định của nhà nước và nhà trường nếu cơ sở giáo dục đại học bố trí được, trừ những giảng viên tham gia giảng dạy trong học kỳ hè hoặc những trường hợp giảng viên có nhu cầu chính đáng) hoặc có thể được bố trí xen kẽ trong năm học.
Việc quản lý và bố trí nghỉ hè hằng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Theo Chinhphu.vn