xuân

Châu Âu thoát khí đốt Nga: Phát hiện ‘sự thật đau đớn’, càng gỡ càng rối, nhìn đâu cũng thấy khó, nguy cơ sa lầy cuộc khủng hoảng mới

Việc cắt đứt quan hệ với hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga diễn ra chậm chạp một cách đau đớn, với một báo cáo phát hiện rằng ngay cả năm 2024, số tiền EU đã trả cho nhiên liệu của Nga còn nhiều hơn khoản khối đã viện trợ cho Kiev.

Khí đốt. (Nguồn: bruegel)
Việc quay trở lại với khí đốt của Nga có nguy cơ làm rạn nứt sự đồng thuận giữa các thành viên EU. (Nguồn: Bruegel)

Trong khi Mỹ thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, câu hỏi liệu các thành viên Liên minh châu Âu (EU) có nên tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga giá rẻ với quy mô lớn hay không đã được một số nhà lãnh đạo thảo luận, cả trong khu vực công và tư. Việc quay trở lại với khí đốt của xứ bạch dương có nguy cơ làm rạn nứt sự đồng thuận giữa các thành viên khối.

Việc khai thác các nguồn khí đốt của Nga bằng các đường ống hiện không hoạt động có vẻ hấp dẫn, đặc biệt là khi xét đến chi phí năng lượng tăng cao và mức lưu trữ khí đốt thấp. Tuy nhiên, một cách tiếp cận rời rạc của châu Âu đối với việc nhập khẩu khí đốt của Moscow được cho là sẽ có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi khiến EU mất đoàn kết và đe dọa an ninh năng lượng dài hạn của khối. Điều này cũng có thể cản trở các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của EU, làm suy yếu các khoản đầu tư vào năng lượng sạch.

Các nhà hoạch định chính sách của EU đặt ra mục tiêu không ràng buộc là loại bỏ dần việc sử dụng khí đốt của Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, việc trình bày kế hoạch về cách thực hiện điều này, ban đầu được ấn định vào tháng 3, đã bị hoãn lại lần thứ hai mà không có ngày chốt lịch.

Vậy thời gian qua, các lệnh cấm vận của EU đối với Moscow có hiệu quả, liên minh có thể sử dụng thuế quan và hạn ngạch để hình thành một phần của chiến lược nhằm hạn chế và loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt Nga hay không?

Tình hình hiện tại

Năm 2021, Nga cung cấp cho EU 157 tỷ mét khối (bcm) khí đốt, chiếm khoảng một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của liên minh. Khối này nhập khẩu hầu hết khí đốt của xứ bạch dương thông qua 4 đường ống (Dòng chảy phương Bắc 1, đường ống vận chuyển khí đốt của Ukraine, Yamal và TurkStream) và các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Khi căng thẳng gia tăng ở biên giới giữa Ukraine và Nga, trong thời gian trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), bất kỳ ai quan tâm đến thị trường năng lượng đều thấy rõ rằng Nga đã chiếm ưu thế hơn EU. Vào thời điểm đó, EU đã mua của Nga hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, hơn 40% lượng khí đốt, gần một nửa tổng lượng than và một phần tư lượng uranium.

Tin liên quan
Một nước châu Âu 'giải phóng' 3 bất động sản Nga, tăng mạnh phong tỏa tiền của Moscow

Đến năm 2024, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đã giảm xuống còn 54 bcm, chiếm 18% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Sự sụt giảm này chủ yếu là do Nga cắt giảm nguồn cung chứ không phải do hành động của EU. Trong khi đó, lượng LNG của Nga nhập khẩu vào EU đã tăng 60% trong ba năm qua.

Trong khi lượng khí đốt của Nga chảy vào EU đã giảm đáng kể, nước này vẫn tiếp tục cung cấp cho một số công ty châu Âu.

Mặc dù một số quốc gia, bao gồm Lithuania, Latvia, Estonia và Ba Lan, áp đặt lệnh cấm khí đốt của Nga trên toàn quốc, nhưng không có hạn chế pháp lý mạnh mẽ nào ở cấp độ EU đối với khí đốt của xứ bạch dương đi vào qua đường ống. Các lệnh trừng phạt chỉ áp dụng cho việc trung chuyển LNG qua các cảng của EU đến các điểm đến ngoài liên minh.

Tuy nhiên, một số hợp đồng giữa Tập đoàn Gazprom của Nga và các công ty năng lượng EU đã bị chấm dứt. Hợp đồng giữa nhà cung cấp khí đốt chính của Áo, OMV và Gazprom, ban đầu có hiệu lực đến năm 2040, đã bị chấm dứt vào tháng 12/2024.

Các doanh nghiệp CEZ của Czech, RWE và Uniper của Đức và ENI của Italy đã khởi kiện Gazprom vì không giao hàng hoặc vi phạm hợp đồng. Dù vậy, một số công ty vẫn có hợp đồng dài hạn với Gazprom với các điều khoản 'mua hoặc trả' buộc họ phải mua khí đốt của xứ bạch dương để tránh bị phạt.

Các tuyến đường khí đốt của Nga tại châu Âu

Hầu hết cơ sở hạ tầng đường ống của Nga vẫn còn tồn tại. Mặc dù việc mở lại Yamal là không thể, xét đến lập trường của Ba Lan chống lại năng lượng của xứ bạch dương và công suất của TurkStream đã được sử dụng hết, vẫn còn hai lựa chọn: khôi phục quá cảnh khí đốt qua Ukraine hoặc sử dụng đường ống Nord Stream 2 chưa bị hư hại.

Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine đã hết hạn vào ngày 31/12/2024. EU đã thảo luận về khả năng gia hạn quá cảnh của Ukraine, với Slovakia đe dọa sẽ chặn hỗ trợ cho Kiev trừ khi quá cảnh được giải quyết.

Vào năm 2024, Gazprom được yêu cầu trả tiền cho Ukraine để quá cảnh 40 bcm khí đốt; tuy nhiên, Nga chỉ vận chuyển 16 bcm. Công suất kỹ thuật của hệ thống đường ống là khoảng 100 bcm.

Hoàn thành vào năm 2021, Nord Stream 2 chưa được Đức hoặc Ủy ban châu Âu (EC) chứng nhận để vận hành và đã bị hư hại một phần trong vụ nổ năm 2022, chỉ còn lại một đường ống nguyên vẹn với công suất hằng năm là 28 bcm.

Bất chấp các cuộc thảo luận giữa Moscow và các nhà đầu tư Mỹ, việc mở lại Nord Stream 2 phải đối mặt với những rào cản tài chính: nhà điều hành đường ống Nord Stream 2 AG, thuộc sở hữu một phần của Gazprom, có thời hạn đến ngày 9/5 tới để tái cấu trúc nợ và giải quyết với các chủ nợ nhỏ hoặc phải đối mặt với phá sản.

Đối mặt cuộc khủng hoảng mới

Ngày 2/4, ông Igbal Guliyev, Phó giám đốc Viện Chính sách và ngoại giao năng lượng quốc tế (MGIMO), nhận định: Châu Âu có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí đốt mới do dự trữ thấp, phức tạp về địa chính trị và cạnh tranh để giảm nguồn cung khí LNG.

Trươc đó cùng ngày, Bloomberg đưa tin rằng nhu cầu giảm theo mùa vào mùa Xuân và Hè thường khiến khí đốt rẻ hơn, cho phép các công ty bổ sung các cơ sở lưu trữ. Tuy nhiên, sau mùa Đông năm ngoái, lượng dự trữ đã giảm và việc ngừng cung cấp từ Nga đang buộc châu Âu phải trả giá khí đốt cao hơn.

"Chúng ta hiện đang chứng kiến ​​một tình hình khá khó khăn trên thị trường khí đốt châu Âu. Đến cuối mùa Đông và đầu mùa Xuân, chỉ có một phần ba các cơ sở lưu trữ ngầm đang đầy, con số này vào năm ngoái là một phần hai”, chuyên gia Guliyev cho biết.

Theo ông, giá khí đốt hiện tại không góp phần vào việc bổ sung dự trữ. Ngoài ra, năm ngoái, EU đã bù đắp thâm hụt bằng cách tăng nhập khẩu LNG của Nga, nhưng hiện tại khối đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp này.

"EU mong đợi sự phối hợp chặt chẽ hơn với Washington, nhưng hiện tại các cuộc tiếp xúc lại ở cấp độ song phương", chuyên gia giải thích, đồng thời nói thêm rằng châu Âu sẽ phải cạnh tranh với các nước châu Á để có được LNG của Mỹ, điều này có thể dẫn đến việc tăng thêm phụ phí giá.

"Tình hình sẽ khó khăn trong tương lai. Mặc dù giá chưa tăng mạnh nhưng có khả năng châu Âu sẽ sa lầy trong một cuộc khủng hoảng khí đốt khác", ông Guliyev nhận định.

Bản chất kế hoạch tái vũ trang châu Âu là nhằm đối đầu với Moscow. (Nguồn: AA)
Để thoát khí đốt Nga, khung chính sách thống nhất của EU nên bao gồm các biện pháp ngăn chặn việc sử dụng khí đốt của nước này và các ưu đãi cho các quốc gia vẫn phụ thuộc vào năng lượng của xứ bạch dương. (Nguồn: AA)

Đánh giá các phản ứng chính sách

Việc cắt đứt quan hệ với hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga diễn ra chậm chạp một cách đau đớn, với một báo cáo phát hiện rằng ngay cả năm 2024, EU đã trả nhiều tiền hơn cho nhiên liệu của Nga so với số tiền mà họ đã viện trợ cho Kiev.

Khối đã đạt được một số tiến bộ thực sự trong vài năm qua trong việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt, nhưng phần lớn chiến lược của Ủy ban châu Âu là móc nối EU với nguồn nhập khẩu từ các nguồn khác. Từ chuyến thăm Azerbaijan năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho đến đề xuất gần đây về việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của các quốc gia khác, như một cách để xoa dịu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu khiến EU dễ bị tống tiền. Việc tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Mỹ hoặc khởi động lại dự án đường ống Nord Stream 2 khiến các hộ gia đình châu Âu phải chịu thuế quan tăng, tăng giá nhân tạo hoặc thậm chí là tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Trong bối cảnh đó, để thoát khí đốt Nga, khung chính sách thống nhất của EU nên bao gồm các biện pháp ngăn chặn việc sử dụng khí đốt của nước này và các ưu đãi cho các quốc gia thành viên vẫn phụ thuộc vào năng lượng của xứ bạch dương.

Áp dụng lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu khí đốt của Nga, sẽ ngay lập tức cắt giảm sự phụ thuộc và cắt nguồn thu của Moscow. Nếu lệnh trừng phạt được áp dụng, các công ty EU có hợp đồng dài hạn với Gazprom có ​​thể chấm dứt hợp đồng mà không phải chịu hình phạt. Tuy nhiên, lệnh cấm vận hoàn toàn có thể gây ra tình trạng giá tăng đột biến tạm thời, đặc biệt là ở Hungary và Slovakia.

Về mặt pháp lý, lệnh cấm vận trên toàn EU đòi hỏi phải có sự chấp thuận nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên. Lệnh cấm nhập khẩu LNG của Nga đã không nhận được đủ sự ủng hộ để đưa vào gói trừng phạt thứ 16 đối với Nga, được thông qua vào tháng 2/2025.

Theo yêu cầu của Slovakia, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh đến nhu cầu tìm ra giải pháp khả thi cho hoạt động trung chuyển khí đốt của Ukraine. Dù vậy, trong bối cảnh chính trị hiện tại, việc đảm bảo sự nhất trí vẫn còn rất khó khăn, cho thấy cần phải có một cách tiếp cận thay thế.

Tin liên quan
Hồi sinh Dòng chảy phương Bắc 2: Đức chính thức lên tiếng, không muốn nhận khí đốt Nga, Moscow kỳ vọng gì? Hồi sinh Dòng chảy phương Bắc 2: Đức chính thức lên tiếng, không muốn nhận khí đốt Nga, Moscow kỳ vọng gì?

EU có thể cân nhắc các cắt giảm khí đốt của Nga theo từng giai đoạn, biện pháp này sẽ tạo ra ít căng thẳng về tài chính hơn và khả thi hơn về mặt chính trị. Hai lựa chọn chính là hạn ngạch (giới hạn khối lượng khí đốt có thể nhập khẩu vào EU) hoặc thuế nhập khẩu (khoản thuế mà EU sẽ áp dụng đối với khí đốt của Nga). Thuế quan được ưu tiên hơn hạn ngạch vì chúng tạo ra doanh thu cho EU thay vì tăng doanh thu cho Nga.

Trong khi đó, hạn ngạch tạo ra tình trạng thiếu hụt khí đốt. Nếu nhu cầu khí đốt của EU đối với khí đốt của Nga vẫn cao, giá khí đốt sẽ tăng cho đến khi đạt đến mức cầu bằng với nguồn cung hạn chế.

Hạn ngạch cho phép Moscow tính phí cao hơn cho mỗi đơn vị khí đốt, bù đắp cho khối lượng bán hàng bị mất và duy trì hoặc thậm chí tăng doanh thu.

Thời gian loại bỏ hạn ngạch càng dài, Nga sẽ càng được hưởng lợi từ giá khí đốt cao hơn.

Về mặt pháp lý, thuế quan tại EU có thể được áp dụng bằng một cuộc bỏ phiếu đa số đủ điều kiện, không giống như lệnh cấm vận, đòi hỏi phải có sự nhất trí 100%. Dù vậy, câu hỏi về điều khoản nào của hiệp ước cung cấp cơ sở pháp lý phù hợp cho thuế quan vẫn chưa được trả lời.

Châu Âu, với cơ sở hạ tầng đường ống phát triển tốt, là người mua chính của khí đốt Nga. Điều này cho phép EU áp dụng mức thuế quan đáng kể đối với khí đốt của Moscow mà không làm giảm đáng kể động lực thương mại của Moscow để xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, về mặt chính trị, Nga có thể đe dọa sẽ dừng cung cấp nếu không đồng ý với mức thuế của EU.

Để thuế khí đốt có hiệu lực, EU cần ngăn chặn hành vi lách luật che giấu nguồn gốc khí đốt, hoặc xem xét khí đốt của Azerbaijan như một giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga thông qua quá cảnh khí đốt của Ukraine. Tuy nhiên, sản lượng hạn chế của Azerbaijan khiến một thỏa thuận hoán đổi với Nga có khả năng xảy ra, về cơ bản vẫn giữ nguyên sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp của Nga.

Hơn nữa, EU phải có khả năng đảm bảo đủ khí đốt giá cả phải chăng nếu Moscow cắt nguồn cung. Mặc dù về mặt kỹ thuật có thể cung cấp thêm LNG thông qua các nhà ga ở Croatia, Italy, Ba Lan và Đức, nhưng việc tìm kiếm khối lượng thay thế đáng tin cậy là một thách thức do số lượng nhà cung cấp lớn hạn chế, trong đó Mỹ là lựa chọn thay thế chính. Hai cơ sở LNG mới của Mỹ đã bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2025, thúc đẩy xuất khẩu tăng 15% vào năm 2025 (20 bcm).

Mặc dù khối lượng khí đốt đáng kể vẫn chưa được ký kết, nhưng không rõ sẽ có bao nhiêu trong ngắn hạn, khi nhu cầu của EU cao nhất. Sự chuyển dịch sang các nguồn khí đốt thay thế này cũng có nguy cơ tạo ra sự phụ thuộc mới.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây đã thúc đẩy EU tăng tốc quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, giảm phụ thuộc, điều này rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu cũng như thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế của khối.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })