xuân

Cập nhật: Các địa phương thực hiện "tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu" để phòng dịch

Nhịp Sống Sài Gòn

Sau một ngày chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở các cửa hàng dịch vụ, kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của thành phố để phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng các địa phương hôm nay (27-3) đã mạnh tay hơn trong việc xử lý vi phạm và ý thức tự giác của các cơ sở kinh doanh cũng đã có nhiều biến chuyển tốt.

Hầu hết cửa hàng dịch vụ đã đóng cửa

Tại một số địa phương khu vực ngoại thành, hầu hết chủ các cửa hiệu, cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, hàng ăn, hàng giải khát đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định của thành phố Hà Nội về việc tạm thời đóng cửa nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19. 

Quán ăn trên địa bàn thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) đóng cửa kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), sau khi có sự vận động của chính quyền cơ sở, đến sáng 27-3, các quán karaoke, nhà hàng... trên địa bàn xã đã đóng cửa. Để duy trì việc thực hiện có hiệu quả các quy định của thành phố và huyện, xã yêu cầu các trưởng thôn thực hiện giám sát; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện đúng quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại huyện Quốc Oai, đến ngày 27-3, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng kinh doanh đối với các dịch vụ không thiết yếu để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. 

Đồng tình với chủ trương của thành phố, ông Nguyễn Tiến Thức, chủ nhà hàng Hương Việt ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết, ngay sau khi lãnh đạo xã đến tuyên truyền và yêu cầu gia đình ký cam kết tạm dừng hoạt động kinh doanh, ông đã tiến hành tổng vệ sinh cửa hàng và cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc. Việc thành phố tạm thời đóng cửa các hàng dịch vụ là cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới. 

Ông Nguyễn Khả Đinh, thôn Chùa, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) chia sẻ: “Gia đình tôi kinh doanh dịch vụ giải khát. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình đã chủ động đóng cửa hàng. Tôi cũng vận động các hộ kinh doanh trong thôn cùng chấp hành. Ngày 26-3, còn vài quán trà đá vỉa hè hoạt động, nhưng đến sáng 27-3, toàn bộ các hàng, quán dịch vụ trong thôn đã đóng cửa". 

Để thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, các huyện, xã đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, không để các cửa hàng thuộc diện phải đóng cửa hoạt động.

Đơn cử, huyện Quốc Oai giao trách nhiệm cho cơ quan chức năng và các xã, thị trấn duy trì việc kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý những hộ kinh doanh cố tình vi phạm; các lực lượng chức năng của huyện Phú Xuyên thành lập 9 tổ công tác để thường xuyên kiểm tra thực tế tại các cơ sở; UBND xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) thành lập 2 đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các chợ cũng như thôn, xóm... Qua kiểm tra, các hộ kinh doanh đồng thuận với chủ trương của thành phố, chủ động đóng cửa, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch tại mỗi gia đình theo đúng khuyến cáo của trung ương và thành phố.

Tại các quận nội thành cũng ghi nhận chuyển biến tích cực. Trong sáng 27-3, trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, các quán cà phê, karaoke, hàng ăn… đã đóng cửa, chỉ còn những cửa hàng, dịch vụ thiết yếu mở cửa phục vụ người dân, như chuỗi cửa hàng bán lẻ Circel K, Vinmart...

Các điểm kinh doanh trên phố Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã đóng cửa từ sáng nay, 27-3.

Tuy nhiên, tại các cửa hàng này không có hiện tượng tập trung đông người, khách mua hàng đều được hướng dẫn sát khuẩn tay, đeo khẩu trang đúng cách, đo thân nhiệt trước khi vào mua hàng.

Ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết, qua công tác vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, người dân ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của lãnh đạo thành phố.

Phường Yên Hòa cũng đã giao lực lượng công an phường giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác phòng, chống dịch của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Sáng 27-3, các quán cafe trên dãy phố Triệu Việt Vương, Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng) đã đóng cửa. Bên cạnh đó, các quán bia hơi trên phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng); đường Trương Định, phố Tân Mai (quận Hoàng Mai) cũng đóng cửa từ ngày 26-3.

Theo anh Thái Hồng Doanh, một chủ quán ăn trên phố Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, vì ý thức chung tay cùng cộng đồng chống dịch nên cửa hàng của anh đã ngừng kinh doanh theo đúng chỉ đạo của thành phố.

 

 

Nhiều hàng quán vẫn hoạt động

Bên cạnh những địa phương, cơ sở thực hiện tốt, trong ngày thứ 2 thực hiện yêu cầu tạm đóng cửa các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu, vẫn còn hiện tượng lén lút mở cửa đón khách, hoặc mở hé cửa để bán hàng cà phê, hàng ăn. Tình trạng các cửa hàng mở cửa và dán biển thông báo bán hàng cho khách mang về, gọi người chuyển đồ khá phổ biến

Nhà hàng cơm sườn số 47, phố Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm) vẫn mở cửa hoạt động.

12h00, tại cửa hàng bán bún sườn chua số 57 phố Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng), nhiều khách ngồi ăn uống với khoảng cách khá gần nhau và vô tư trò chuyện. 

Tại các đường dạo ven hồ Thiền Quang trưa nay, nhiều người dân vẫn tụ tập uống trà đá và chơi cờ. 

Xếp hàng mua bánh tại tiệm bánh mỳ Pháp (số 7, phố Ngô Sỹ Liên, quận Đống Đa) không bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. 

Quán Lavoi coffee, số 1 Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) vẫn mở cửa đón khách.

Lúc 12h45, quán bún chả Cầu Đen 22 Tô Hiệu (quận Hà Đông) khá đông khách tới ăn. 

Tại quán bún đậu mắm tôm ở vỉa hè góc đường Mỹ Đình - Nguyễn Hoàng (quận Cầu Giấy), hàng chục thực khách ngồi ăn.

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/962464/cac-dia-phuong-thuc-hien-tam-dung-hoat-dong-cac-dich-vu-khong-thiet-yeu-de-phong-dich