xuân

Cảnh báo rủi ro mô hình ‘sở hữu kỳ nghỉ' khi xuống tiền

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cảnh báo người dân về những rủi ro khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ”, đồng thời khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tham gia giao kết loại hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

Rủi ro mô hình "sở hữu kỳ nghỉ"

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, ở Việt Nam, mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” đã có mặt từ vài năm nay và là khái niệm không còn quá mới mẻ. Tại một số thời điểm, mô hình nghỉ dưỡng này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí từng được nhắc đến như một giải pháp kích cầu du lịch trong giai đoạn hậu COVID-19.

Người tiêu dùng được giới thiệu về lịch sử phát triển hơn nửa thế kỉ của mô hình này trên toàn thế giới, hàng nghìn điểm trao đổi kì nghỉ tại nhiều hệ thống khách sạn 5 sao.

Bên cạnh các lợi ích được kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng, thời gian qua thị trường chứng kiến không ít phản ánh về việc khách hàng từng tham gia vào hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo.

Cảnh báo rủi ro mô hình ‘sở hữu kỳ nghỉ' khi xuống tiền - Ảnh 1.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cảnh báo người dân về những rủi ro khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ”. Ảnh minh họa.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cung cấp thêm thông tin về mô hình này, để người dân tham khảo, nghiên cứu trước khi quyết định tham gia.

Thứ nhất, để cung cấp loại hình này, bên bán “sở hữu kỳ nghỉ” có thể sở hữu (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn... Ngay cả trường hợp bên bán sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn.., quyền sở hữu kỳ nghỉ của bên mua không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản và hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là hợp đồng dịch vụ chứ không phải là hợp đồng mua bán bất động sản.

Đối với những đơn vị chào bán sản phẩm không sở hữu dự án/ khách sạn.., họ là nhà phân phối và bán sản phẩm lưu trú trên cơ sở hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của đối tác.

Thứ hai, đối với loại hình bên bán đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ lưu trú, việc đi nghỉ trên thực tế chỉ diễn ra khi bên bán hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động chính thức. Điều này có nghĩa là tại thời điểm ký kết hợp đồng, có thể các căn hộ, khách sạn... để nghỉ còn chưa hình thành.

Đối với loại hình bên bán sản phẩm không có dự án, khách sạn..., việc cung cấp sản phẩm tới tay bên mua phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của bên thứ ba do bên bán ký kết/ hợp tác. Tức là, việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị đứt gãy nếu bên phân phối sản phẩm gặp trục trặc từ phía đối tác hoặc thậm chí là rút lui, biến mất. Vì vậy, người mua sản phẩm cần nhận thức rõ các rủi ro này để cân nhắc trước khi quyết định ký hợp đồng.

Thứ ba, hầu như tất cả các hợp đồng mua - bán sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng dài hạn và khách hàng đều phải trả số tiền lớn từ trước. Do đó, người tham gia cần phân tích, đánh giá rõ về rủi ro hoặc tỷ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế.

Thứ tư, bên cạnh rủi ro đến từ những yếu tố bên ngoài (như việc bên bán không thực hiện đúng hợp đồng cam kết), nhiều phản ánh hiện nay thể hiện việc sản phẩm trên thực tế không như các thông tin quảng cáo.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ không đúng như người mua “trông đợi”, các giao dịch bằng hợp đồng soạn sẵn còn tồn tại rủi ro từ các điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ.

Cẩn trọng khi xuống tiền

Do đó, để tránh tình huống bất lợi không mong muốn xẩy ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng, trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.

Đồng thời, trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt cần xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài.

So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

Ví dụ: mô tả dịch vụ được cung cấp, các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của doanh nghiệp; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…;

Xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì/ phí thường niên/ phí quản lý/ phí vận hành/ phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng ( không có trong thông tin quảng cáo, chào bán) và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.

Các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng, ví dụ như: thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không…;

Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, ví dụ như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm ví dụ như không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn)...

Phạt Công ty Vịnh Thiên Đường vì cung cấp thông tin không chính xác

Liên quan đến mô hình "sở hữu kỳ nghỉ", Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho biết, năm 2022, trên cơ sở tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường. Theo đó, cuối tháng 12/2022, Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường bị xử phạt vi phạm hành chính với hai hành vi là cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng và sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có cỡ chữ nhỏ hơn quy định. Đến nay, Công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc cải chính thông tin đối với hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng”.