xuân

Cần sớm chấn chỉnh bất động sản ở Lý Sơn

Hiện nay không ít cá nhân từ các tỉnh, thành khác vẫn đổ xô về mua đất nông nghiệp ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Liên quan đến vấn đề này, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài địa phương. Thế nhưng không ít cá nhân từ các tỉnh, thành khác vẫn được giải quyết thủ tục mua đất nông nghiệp ở địa phương này.

photo-1684980176241

Đất tỏi Lý Sơn được công khai rao bán rấm rộ trên mạng.

 

Đất nông nghiệp giá trên trời

Từ nhiều năm trở lại đây, nhiều người đến huyện đảo mua gom đất nông nghiệp, đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng. Giá đất nông nghiệp ở Lý Sơn được "thổi" lên gấp 20-30 lần so với giá quy định của nhà nước. Tùy vị trí mà đất được mua với giá 1-1,5 triệu đồng/m2. Những thửa đất có mặt tiền hướng biển, gần trung tâm huyện có thể được mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung.

Trong vai một khách hàng, chúng tôi được một môi giới tại đây chia sẻ: Hiện nay, thị trường bất động sản đang chạm đáy mà đất tại Lý Sơn vẫn ở mức cao chứng tỏ cơ hội đầu tư rất sáng. Không phải ai cũng biết được điều này, vì hiện nay nhà đầu tư họ “đánh hơi” được rất nhanh. Nếu như anh đã tới đây là anh đã hiểu và nắm chắc được thị trường ở đây rồi.

Để thuyết phục hơn, anh “cò đất” này chìa ra một chồng hợp đồng khoảng hơn 10 cho phóng viên xem và không quên buông một câu “cơ hội chỉ đến một lần, anh không đầu tư lúc này thì lúc nào nữa ạ?”…

Theo tìm hiểu, nguyên nhân giá đất được thổi lên cao là từ khi Thủ tướng Chính phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất. Theo quy hoạch này, huyện đảo Lý Sơn được định hướng phát triển thành thành phố, có sân bay và nhiều dự án lớn khác.

Trước thông tin trên, tình hình chuyển nhượng đất nông nghiệp tại Lý Sơn lại diễn biến phức tạp, giá đất nông nghiệp lại tăng cao, chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai. Đặc biệt là kiểm soát việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cho những cá nhân ngoài huyện đảo.

Chính quyền bất lực

Theo bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lý Sơn - cho biết, huyện đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người dân ngoài địa phương. Điều này nhằm ngăn chặn việc đầu cơ đất nông nghiệp, gây tác động xấu đến huyện đảo.

Tuy nhiên, cho đến nay các giao dịch đất đai trong thời gian qua đều được người dân thực hiện thông qua các văn phòng công chứng tư, không thông qua chính quyền địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Lý Sơn tiếp nhận 24 hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp. Trong đó có 18 hồ sơ đã được giải quyết.

Đáng lưu ý, các cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không phải là người dân Lý Sơn. Những người này đến từ nhiều tỉnh, thành; trong đó có nhiều trường hợp mua gom nhiều thửa đất nông nghiệp cùng lúc, có những người từ Hà Nội và TP.HCM cũng có trong danh sách này.

Điển hình là ông D. ở Hà Nội đã được giải quyết thủ tục nhận chuyển nhượng cùng lúc 6 thửa đất nông nghiệp. Tổng diện tích đất ông D. mua lên đến 2.3000m2. Bà B.T.H. (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng mua 3 thửa đất nông nghiệp với tổng diện tích gần 1.400m2.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Thanh Hà, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Lý Sơn cho rằng, hiện chỉ có quy định tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn). Riêng ở đảo Lớn, không có bất cứ văn bản nào quy định nội dung này.

Thời gian qua, đơn vị chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp tại đảo Lớn. Việc này là phù hợp với chỉ đạo của tỉnh và các quy định của pháp luật.

"Huyện Lý Sơn có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, nhưng nội dung rất chung chung. Huyện chỉ yêu cầu tiếp nhận, xử lý đúng quy định của pháp luật, không có nội dung nào yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cho người không có hộ khẩu tại huyện đảo. Do đó chúng tôi đã thực hiện đúng quy định, những người ngoài đảo nhưng đủ điều kiện vẫn được giải quyết nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp", ông Hà nhấn mạnh.