xuân

Các trường ĐH Y sẽ rút thời gian đào tạo xuống 4 năm

Nhịp Sống Sài Gòn

- Thời gian đào tạo đại học hệ chính quy tại các trường ĐH Y sẽ thống nhất rút xuống còn 4 năm, kể cả đối với ngành y đa khoa và y học dự phòng (hiện đào tạo 6 năm).

    - Thời gian đào tạo đại học hệ chính quy tại các trường ĐH Y sẽ thống nhất rút xuống còn 4 năm, kể cả đối với ngành y đa khoa và y học dự phòng (hiện đào tạo 6 năm).
 
Theo đó, sau khi hoàn thành 4 năm học tại trường, sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân Y khoa. Tiếp đó, những người muốn học tiếp sẽ phân thành 2 hướng: Hệ hành nghề khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý và Hệ nghiên cứu do Bộ GD&ĐT quản lý.
Những người không muốn học tiếp có thể trực tiếp tham gia thị trường lao động.
Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ Y khoa. Tuy nhiên, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề mà cần phải trải qua thêm một năm tiền hành nghề thực hành tại các bệnh viện.
Sau khi kết thúc một năm thực hành tại bệnh viện, những người này phải trải qua kỳ thi cấp quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi đa khoa. Những người được cấp chứng chỉ mới được bắt đầu hành nghề.
Các trường ĐH Y sẽ rút thời gian đào tạo xuống 4 năm
Đề xuất mô hình đào tào ngành y khoa mới. Nguồn: Bộ Y tế. 
 
Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa sẽ phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2-3 năm chuyên khoa sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi chuyên khoa. Tiếp đó, để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu, phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm từ 2 năm trở lên và thi cấp chứng chỉ hành nghề một lần nữa.
Những người lựa chọn hướng nghiên cứu do Bộ GD&ĐT quản lý thì phân thành 2 giai đoạn: Thạc sĩ đào tạo 2 năm và Nghiên cứu sinh đào tạo 3-4 năm, lấy bằng tiến sĩ.
Tham chiếu đối với khung trình độ quốc gia, các cử nhân Y khoa tương đương với khung trình độ bậc 6. Các bác sĩ Y khoa tương đương khung trình độ bậc 7 còn các bác sĩ chuyên khoa tương đương khung trình độ bậc 8.
Thông tin về mô hình đào tạo mới của ngành Y được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực y tế diễn ra sáng nay, 23/9.
Nhiều bất cập trong đào tạo ngành y
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện tại, dự thảo Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành y khoa đã hoàn tất và sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 10 tới đây.
Đại diện Bộ Y tế cho hay, đề xuất đổi mới đào tạo ngành y khoa xuất phát từ chính thực trạng đào tạo còn nhiều bất cập của Việt Nam.
Các trường ĐH Y sẽ rút thời gian đào tạo xuống 4 năm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi xung quanh phương án đổi mới đào tạo ngành Y khoa sáng 23/9. Ảnh: Lê Văn/VietNamNet. 
 
Đối với đào tạo đại học, hiện tại, số lượng cơ sở đào tạo ngành y phát triển nhanh. Nếu từ năm 2008 chỉ có 8 cơ sở thì tới nay đã có hơn 20 cơ sở.
Theo Bộ Y tế, số lượng cơ sở đào tạo thành lập nhiều trong thời gian ngắn trong khi tiêu chí thành lập và mở ngành rất đơn giản, không có bệnh viện thực hành, chuyên môn của giảng viên chưa đánh giá đúng mức.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang lẫn lộn giữa hai hệ thống năng lực: thực hành khám chữa bệnh và nghiên cứu hàn lâm. Đang cùng tồn tại song song 2 hệ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GD&ĐT quản lý hệ bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 do Bộ Y tế quản lý, song lại không có nhiều sự phân định, khác biệt rõ ràng giữa 2 chương trình.
"Các bác sĩ chuyên khoa một làm thêm luận văn tốt nghiệp sẽ trở thành thạc sĩ. Các tiến sĩ ít thực hành kỹ thuật song vẫn hành như như bác sĩ chuyên khoa", đại diện Bộ Y tế cho hay.
Mặt khác, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng… chỉ cần yêu cầu thực hành nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp mà không trải qua một kỳ thi sát hạch nào cả. Hơn nữa, chứng chỉ này được cấp 1 lần và sử dụng vĩnh viễn.
Ngoài ra, lương của nhân viên y tế bằng cách ngành khác ở cùng trình độ đạo tạo dù thời gian đào tạo lâu hơn. Chẳng hạn, bác sĩ phải đào tạo 6 năm song sau khi ra trường, mức lương khởi điểm chỉ bằng với mức lương của các cử nhân tốt nghiệp ở những trường đào tạo 4 năm.
Còn nhiều vấn đề cần thảo luận
Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia nước ngoài chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo hệ thống y khoa ở các nước cũng như các góp ý của các chuyên gia trong nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phương án đổi mới đào tạo ngành y khoa được xây dựng trong 2 năm có nhiều điểm chung với hệ thống đào tạo tiên tiến trên thế giới.
Góp ý về phương án đổi mới, Phó thủ tướng đặt câu hỏi: Sau khi học xong 2 năm bác sĩ Y khoa thì sẽ công nhận bậc 7 trong khung trình độ và sau đó mới đi thực tập tại bệnh viện một năm hay đợi sau khi thực tập một năm rồi mới công nhận bậc 7 trong khung trình độ?
"Sau khi các chuyên gia góp ý, tôi thiên về hướng thứ hai", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Ông Đam cho rằng theo phương án này, chất lượng sẽ được đảm bảo hơn. Những người thực tập sẽ được coi như sinh viên, được hỗ trợ vay vốn đi học và bệnh viện có thể chi trả một phần nếu như họ tham gia các công việc bệnh viện.
Một vấn đề khác, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vẫn đang tranh luận là cấp chứng chỉ một lần nay định kỳ, thi hay không và ai sẽ là người cấp.
"Nếu thi thêm chứng chỉ như vậy sẽ thêm một thủ tục hành chính, nhiều người sẽ không đồng thuận. Tuy nhiên, cũng có thực tế là nếu cấp một lần sẽ có trường hợp tinh thần sức khỏe kém đi nhưng vẫn hành nghề, không an toàn cho bệnh nhân", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh hiện nay, nhân lực ngành y tế không chỉ yếu về chất lượng mà còn thiếu về số lượng so với quốc tế. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng cũng phải tăng cường số lượng các bác sĩ để địa phương nào cũng có bác sĩ giỏi.
Theo Phó thủ tướng, hiện nay, tỷ lệ bác sĩ trên một một vạn dân của Việt Nam chỉ là 7,8 trong khi thế giới là 20. Cộng cả ba đối tượng bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng thì tỷ lệ này cũng chỉ là 20 trên một vạn dân trong khi Hoa Kỳ là 50.
Cuối cùng, Phó thủ tướng cho rằng, phương án đổi mới đã khá sáng rõ, có điều cần bàn là thời gian chuyển tiếp là dài hay ngắn. "Tôi nghĩ rằng thời gian chuyển tiếp này sẽ ngắn nhất có thể".
 
Theo Lê Văn/  Vietnamnet