Khơi thông các cửa khẩu, lối mở
Ngay khi bắt đầu có tình trạng ùn ứ tại các cặp cửa khẩu, lối mở giữa Việt Nam và Trung Quốc, ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã nhanh chóng phối hợp với VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 224/CĐ-TTg cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Bộ Công Thương cũng đã chủ động đề xuất với Bộ Y tế xây dựng quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Bộ Công Thương phối hợp với VCCI giải quyết ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở, thúc đẩy xuất khẩu |
Nhờ đó, đến nay, hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng như xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã tích cực trở lại. Dù vậy, theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), không chủ quan trước tình hình, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, thường xuyên trao đổi với UBND các tỉnh, thành phố, VCCI… khuyến nghị người nông dân, doanh nghiệp điều tiết sản lượng và số lượng hàng hóa lên biên giới.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số
Dịch bệnh buộc các thị trường xuất khẩu chính và quan trọng của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... siết chặt xuất, nhập cảnh nhằm hạn chế virus lây lan dẫn đến nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) không thể triển khai theo kế hoạch. Đồng thời, hạn chế đáng kể cơ hội kết nối thị trường của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với VCCI hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hình thức XTTM mới, kết nối thị trường thông qua nền tảng số, trên môi trường Internet... Đặc biệt, hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được hoàn thiện và chia sẻ quyền truy cập cho các thương vụ, trung tâm XTTM tại nước ngoài để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp trong nước.
Cùng đó, đề án “Tổ chức kết nối giao thương trực tuyến trên các ứng dụng Internet (webinar)” của Bộ Công Thương cũng đã được triển khai. Hàng trăm lượt giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác trên khắp thế giới như Trung Quốc, Canada, Nepal, Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan... đã được tổ chức. Với hiệu quả đã đạt được, Bộ Công Thương đã lập kế hoạch phối hợp với VCCI tổ chức nhiều hội thảo giao thương trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có thêm các cơ hội kết nối thị trường, phát triển thị phần.
Đặc biệt, để tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã và sắp có hiệu lực cho thúc đẩy xuất khẩu, với vai trò là thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Bộ Công Thương và VCCI tiếp tục kết hợp chặt chẽ phổ biến về cam kết của các FTA. Sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi cam kết.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI và các hiệp hội ngành hàng, địa phương nghiên cứu xây dựng một số đề án XTTM mang tính cấp bách, tính khả thi cao để triển
khai ngay hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Theo CTO