Xây dựng mô hình điểm
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VHTT&DL Hòa Bình, cho biết, Đề án “Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh” đã được triển khai từ cuối năm 2022 và dự kiến đạt các tiêu chí khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030. Vùng cao huyện Tân Lạc gồm 3 xã Vân Sơn, Quyết Chiến và Ngổ Luông có độ cao 800-1.000m so với mực nước biển. Đây là khu vực có độ che phủ rừng cao, các loài động, thực vật phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh. Cộng đồng cư dân tại đây lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống...
Theo Sở VHTT&DL Hòa Bình, mặc dù nhiều lợi thế nhưng tại đây còn thiếu nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Điển hình như giao thông đi lại khó khăn; hạ tầng cấp nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, nước thải, nhà vệ sinh công cộng còn thiếu...
Mục tiêu phải xây dựng tại đây các dịch vụ đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; cơ sở lưu trú đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt/năm. Gắn phát triển du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa. Theo đánh giá của Sở VHTT&DL Hòa Bình, với việc triển khai dự án, phát triển du lịch cộng đồng tại đây chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với để người dân tự làm. Đề án cũng là nền tảng để người dân và doanh nghiệp yên tâm tham gia đầu tư mở rộng.
Sở VHTT&DL Hòa Bình kiến nghị, bên cạnh đề án này, Nhà nước quan tâm nhiều hơn, có những chính sách đồng bộ từ trên xuống. Ở tỉnh Hòa Bình, nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa, con người rất phong phú nhưng hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều. Nếu để bà con tự bơi, tự làm thì sẽ rất chậm, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu làm tự phát.
Lan tỏa cách làm mới
Theo bà Niềm, tỉnh Hòa Bình chủ trương tăng cường đào tạo, hướng dẫn người dân làm du lịch và điều đó đã lan tỏa ra nhiều huyện, xã trong tỉnh. Tại bản Lác, huyện Mai Châu thời gian qua đã được tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy bao gồm tuyến cấp nước lớn và bể chứa từ hệ thống cấp nước chung. Xây dựng bể chứa có dung tích lớn để có thể đảm bảo cấp nước đồng bộ cho các đám cháy lớn xảy ra trong vòng 3 giờ. Trang bị máy bơm và các dụng cụ khác để xử lý khi có đám cháy xảy ra. Tại bản có thành lập các hộ liên gia, mỗi tổ gồm 10 hộ lắp chuông báo cháy và hỗ trợ nhau khi có cháy nổ xảy ra. Ở bản Lác, cùng với sự vào cuộc của cấp chính quyền, bà con cũng rất có ý thức về vấn đề này, nhiều năm qua đảm bảo các yếu tố về kinh doanh du lịch, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho du khách.
Quản lý, cấp phép về phòng chống cháy nổ là hoạt động tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm. Nhiều homestay ở tỉnh Hòa Bình chủ yếu làm theo mô hình nhà tranh, tre, nứa, lá, vì vậy công tác phòng chống cháy nổ là rất cần thiết. Những hộ nào đảm bảo đủ điều kiện về phòng chống cháy nổ thì mới được cấp phép kinh doanh du lịch. Hằng năm, các hộ kinh doanh homestay được tham gia các lớp tập huấn về phòng chống cháy nổ do địa phương tổ chức.
Theo giám đốc Sở VHTT&DL Hòa Bình, phát triển homestay mục tiêu lớn nhất hiện nay là giúp người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống, chưa nên đặt ra mục tiêu thu thuế ngay thời điểm này. Khi đã có sự đầu tư bằng ngân sách nhà nước, tạo thành một quần thể, thành lập ban quản lý thì khi đó có thể bán vé thu tiền. Tiền thu được một phần trích ra để nộp ngân sách nhà nước. Còn trước mắt là để giải quyết công ăn việc làm, giữ gìn cảnh quan. “Chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh trong năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng. Trong Đề án có những nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ hoạt động du lịch của bà con”, bà Niềm nói.