Bất động sản mới nhất. Dự án Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ tọa lạc ở một vị trí đắc địa bậc nhất nhưng đã bị bỏ hoang nhiều năm nay. (Ảnh: Trần Kháng). |
Nhà trong ngõ đột ngột rớt giá hàng trăm triệu đồng vẫn khó bán
Nhà đất trong ngõ ở Hà Nội luôn là phân khúc "ăn khách" suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, từ năm 2021 đến hết 2022, phân khúc nhà ở này liên tục tăng mạnh, thậm chí còn ngang ngửa với giá nhà liền kề tại vùng ven nếu tính theo giá m2.
Tin liên quan |
Làm gì để FTA thế hệ mới phát huy vai trò 'phao cứu sinh' giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng xuất khẩu? |
Tuy nhiên, sau khi trải qua giai đoạn tăng nóng, đến nay phân khúc này có dấu hiệu rơi vào trầm lắng. Không ít chủ nhà đã chấp nhận giảm giá vài trăm triệu đồng mỗi căn để nhanh thu hồi vốn, nhưng vẫn khó tìm khách mua.
Theo khảo sát, hiện nay, tại quận Hoàng Mai giá nhà trong ngõ ở các khu vực như Định Công, Lĩnh Nam, Minh Khai... dao động 90-130 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, các khu vực Mễ Trì, Phú Đô, Mỹ Đình... giá nhà trong ngõ rộng 2-3m đang được rao bán với mức giá 90-120 triệu đồng/m2. Giá nhà trong ngõ rộng 3m khu vực như Xuân Phương, Cầu Diễn, Tây Mỗ, Trung Văn... dao động 90-100 triệu đồng/m2, còn tại mặt ngõ 2-2,5m giá bán dao động 70-80 triệu đồng/m2.
Riêng tại khu vực quận Cầu Giấy, nếu muốn sở hữu một căn nhà trong ngõ rộng 30-35m2, người mua cần bỏ từ gần 4 tỷ đồng đến hơn 6 tỷ đồng. Cụ thể, giá nhà trong ngõ rộng 2-2,5m dao động 125-150 triệu đồng/m2, còn nhà ở ngõ trên 3m trở lên 150-180 triệu đồng/m2.
Thực tế, các mức giá ghi nhận hiện tại đều đã giảm khoảng 10-15% so với giữa năm 2022. Đơn cử, một căn nhà rộng 41m2 đã xây dựng 5 tầng, mặt ngõ 2,5m tại Mễ Trì, thời điểm tháng 11/2022 được rao bán với mức giá là 5,4 tỷ đồng, tương đương gần 132 triệu đồng/m2. Song, sau nửa năm chủ nhà chưa tìm được chủ mới và đã nhiều lần điều chỉnh giá bán. Đến nay, giá bán căn nhà này đã hạ xuống 4,7 tỷ đồng, tương đương 114 triệu đồng/m2.
Báo cáo thị trường BĐS quý I của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, mức độ quan tâm và sức mua đối với thị trường nhà riêng Hà Nội giảm. Cụ thể, mức quan tâm nhà riêng quận Cầu Giấy giảm 22%, quận Đống Đa giảm 26%, quận Thanh Xuân giảm 23%, quận Long Biên giảm 11%...
Nguyên nhân thực trạng trên được giới đầu tư và chuyên gia nhìn nhận do thời gian qua, lãi suất neo cao, tâm lý của người mua đang có sự e dè, tiếp tục chờ giảm giá sâu hơn khiến thanh khoản sụt giảm. Theo đó, dù phục vụ được nhu cầu thực của người mua nhưng vẫn phải hạ giá tìm khách.
Khảo sát cho thấy, có rất nhiều căn nhà trong ngõ đã rao bán nửa năm nhưng không tìm được khách mua. Nguyên nhân do hiện nay lãi suất vay vẫn ở mặt bằng cao, khiến nhiều người chần chừ ra quyết định.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), thị trường nhà đất bị "thổi" cao hơn so với thực tế từ nhiều năm nay. Trong những quý đầu năm, dự báo thị trường sẽ có ít biến động, lượng giao dịch cũng sẽ tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm 2022.
"Khách đã rục rịch xuống tiền với tâm lý chờ bắt đáy, song thị trường đã chạm đáy chưa thì vẫn là câu hỏi cần thời gian trả lời, vì không có một thước đo nào để có thể xác định được đâu là đáy của thị trường BĐS", ông Đính nói.
Hà Nội chấm dứt hoạt động dự án công viên trên "đất vàng"
Ngày 5/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư "Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ tại số 151, 153 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội".
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, dự án này có quyết định chủ trương đầu tư số 2999 ngày 16/6/2018 của UBND TP Hà Nội. Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội. Dự án này có tên thương mại là Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi.
Lý do chấm dứt hoạt động dự án là do nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư.
Trước đó, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát hồ sơ, xin ý kiến các Sở, ngành về việc chấm dứt hoạt động dự án Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ tại số 151, 153 Yên Phụ đảm bảo không phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện sau này, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
UBND TP Hà Nội cho biết, dự án đầu tư Khu hỗn hợp văn phòng - Thương mại, dịch vụ nhà hàng và giải trí tại địa số 153 Yên Phụ (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) với tổng diện tích khu đất khoảng 2.678m2 được UBND TP ký Quyết định chủ trương đầu tư số 5082 vào 9/2016, chấp thuận Tổng Công ty Du lịch Hà Nội - Công ty TNHH là chủ đầu tư.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2017, Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Hà Nội - Công ty TNHH có Nghị quyết số 229 về việc chấp thuận chủ trương chấm dứt thực hiện dự án trên và ngày 14/12/2017, Tổng Công ty du lịch Hà Nội - Công ty TNHH có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động dự án.
Đến ngày 15/1/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 319 gửi UBND TP về việc Tổng Công ty du lịch Hà Nội - Công ty TNHH chấm dứt thực hiện dự án tại địa điểm số 153 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Ngày 28/02/2018, UBND TP có Văn bản số 786 chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị của Tổng Công ty du lịch Hà Nội - Công ty TNHH. Đồng thời, giao Tổng Công ty này hoàn tất thủ tục thanh lý dự án Khu hỗn hợp văn phòng - Thương mại dịch vụ nhà hàng và giải trí theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, đến ngày 29/6/2020, UBND TP có Quyết định số 2843 thu hồi 2.678m2 đất tại số 153 Yên Phụ giao Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý theo quy định. Ngày 26/10/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản báo cáo UBND TP về việc chấm dứt hoạt động dự án Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ tại số 151, 153 Yên Phụ.
Ngày 16/11/2022, UBND TP có chỉ đạo tại Văn bản số 2162 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát hồ sơ, xin ý kiến các Sở, ngành về việc chấm dứt hoạt động dự án, đảm bảo không phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện sau này, báo cáo UBND TP theo quy định.
Theo ghi nhận, lô đất làm dự án Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ tọa lạc ở địa chỉ 151-153 Yên Phụ, có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội. Tuy nhiên, lô đất này đã bị bỏ hoang nhiều năm nay, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị.
Bất động sản mới nhất: Thiết kế đường Vành đai 3 - TPHCM (Ảnh: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cung cấp). |
Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ 2 dự án hạ tầng hơn 92.800 tỷ đồng
Tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 còn chậm, với dự án Vành đai 3-TPHCM đã ra thông báo thu hồi đất.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo địa phương vừa chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh.
Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai báo cáo cả 2 dự án này đều đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục liên quan để đảm bảo khởi công các dự án đúng tiến độ. Đối với công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3-TPHCM, UBND huyện Nhơn Trạch đã ban hành thông báo thu hồi đất dự án.
Với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt tiểu dự án thành phần 1. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án hiện đang bị chậm, đặc biệt là 2 khu tái định cư trên địa bàn TP Biên Hòa.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu huyện Nhơn Trạch tiếp tục triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 - TPHCM. Khu vực tổ chức lễ khởi công dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 15/6.
Đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, hai địa phương là TP Biên Hòa và huyện Long Thành đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng các khu tái định cư. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công dự án.
Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM dự kiến được khởi công vào ngày 18/6 tới đây, có vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng. Tuyến đường này đi qua địa phận 4 tỉnh, thành gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, tổng chiều dài 89km. Đoạn qua Đồng Nai dài hơn 11km, có điểm đầu nằm ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch và điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch, kết nối Thủ Đức (TPHCM).
Còn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có kế hoạch khởi công vào ngày 30/6, đi qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài hơn 53km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 17.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 chiều dài 16km. Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2 với chiều dài 18 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và dự án thành phần 3 do UBND tỉnh BRVT thực hiện phần còn lại.
Giao dịch nhà đất khu dân cư ở Lâm Đồng nhiều gấp 50 lần dự án
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo về lượng giao dịch BĐS để bán thông qua hình thức công chứng, hợp đồng trong tháng 5/2023 trên địa bàn tỉnh. Số liệu được Sở Tư pháp tổng hợp từ 34 tổ chức hành nghề công chứng có đăng ký hoạt động.
Theo báo cáo, trong tháng 5/2023, tại các dự án nhà ở tại Lâm Đồng chỉ có 33 nền đất và 1 nhà ở riêng lẻ được giao dịch. Chủ yếu tập trung tại huyện Bảo Lâm, TP.Bảo Lộc và huyện Đam Rông.
Trong khu dân cư hiện hữu, có 1.297 nền đất và 172 nhà ở riêng lẻ được giao dịch. Không như các dự án, giao dịch đất nền trong các khu dân cư hiện hữu đến từ khắp các huyện, nhiều nhất là huyện Lâm Hà với 242 nền, ít nhất là huyện Cát Tiên với 3 nền.
Giao dịch nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu có sự chênh lệch lớn gữa các địa phương. Như TP.Đà Lạt có 58 giao dịch, huyện Đức Trọng có 48 giao dịch hay TP.Bảo Lộc có 32 giao dịch. Trong khi các huyện như Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Tẻh hay Cát Tiên lại không có giao dịch nào.
Về loại hình căn hộ chung cư, trong tháng 5/2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 12 căn hộ được giao dịch. Tất cả những căn hộ này đều ở TP.Đà Lạt.
Trong tháng qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có 40 mặt bằng thương mại, dịch vụ và 1 văn phòng cho thuê được giao dịch.
So với tháng 4/2023, tình hình giao dịch nhà đất tại các dự án lẫn trong khu dân cư hiện hữu tại Lâm Đồng đã có sự chuyển biến tích cực.
Cụ thể, giao dịch nhà đất tại các dự án tăng 5 sản phẩm, còn giao dịch nhà đất trong khu dân cư hiện hữu tăng 175 sản phẩm.