xuân

Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi trong xây dựng pháp luật

(Chinhphu.vn) - Ngày 05/12, Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về kỹ năng xây dựng, thẩm định, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì Hội thảo.

Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi trong xây dựng pháp luật- Ảnh 1.

Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí trong xây dựng pháp luật - Ảnh: VGP/ LS

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm: xây dựng chính sách, thẩm định, góp ý, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, theo dõi thi hành, phổ biến, giáo dục pháp luật, luôn được Bộ Tư pháp chú trọng, coi là nhiệm vụ hàng đầu.

Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của các đơn vị, đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó có đội ngũ công chức chuyên sâu trong các lĩnh vực để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết thêm, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan điểm, chỉ đạo mới về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Đặc biệt, tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, đồng chí Tô Lâm, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu triển khai việc nghiên cứu, đề xuất đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 03 bảo đảm: bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; hoàn thiện các quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp…

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp Việt Nam đang khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xác định rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Bộ, từng đơn vị thuộc Bộ cũng như đội ngũ công chức trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Hội thảo ngày hôm nay là một trong các hoạt động để các cơ quan, đơn vị của Bộ Tư pháp được trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm từ các chuyên gia Nhật Bản về kỹ năng soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động của VBQPPL, từ đó nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật. 

Kết quả của Hội thảo cũng sẽ là cơ sở và là nguồn thông tin tham khảo hữu ích để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy chế và chức năng, nhiệm vụ của Bộ và của từng đơn vị trong thực hiện công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp.

Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi trong xây dựng pháp luật- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/ LS

Để hoàn thành mục tiêu trên, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo, đặc biệt các công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hoặc tham gia giảng dạy, nghiên cứu nội dung môn học liên quan đến công tác xây dựng VBQPPL, công chức trong danh sách quy hoạch chuyên môn sâu trong các lĩnh vực pháp luật của Bộ, đại diện các đơn vị xây dựng pháp luật tập trung lắng nghe, lựa chọn những vấn đề thật sự sâu, sát với yêu cầu thực tiễn để có thể trao đổi thêm đối với chuyên gia, làm sâu sắc những nội dung, kỹ năng có thể học hỏi và vận dụng ngay vào công việc sau Hội thảo.

Theo ông Chinone Koichi, Cố vấn trưởng Dự án JICA, các hoạt động giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và JICA đều đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông hy vọng hội thảo hôm nay sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin hữu ích về công tác xây dựng, thẩm định, đánh giá tác động của VBQPPL ở cả Việt Nam và Nhật Bản; qua đó góp phần giải đáp, tháo gỡ những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư pháp trong công tác này.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật giới thiệu khái quát về quy trình xây dựng VBQPPL của Việt Nam và một số yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay và ông Onishi Hiromichi, chuyên gia dài hạn của Dự án JICA đã khái quát về các quá trình chủ yếu liên quan đến việc soạn thảo, thảo luận, công bố, thi hành, áp dụng pháp luật… tại Nhật Bản.

LS

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là 'đột phá của đột phá'Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là 'đột phá của đột phá'
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cần dung hòa hai vấn đề trong xây dựng pháp luậtCần dung hòa hai vấn đề trong xây dựng pháp luật
Tham khảo thêm
Cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luậtCá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật