xuân

Bài 1: Vì sao giao thông tĩnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế?

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, diện tích đất của thành phố Hà Nội dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8%-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Ngành Giao thông vận tải Hà Nội lý giải có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến khó khăn, hạn chế này.

Tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện

Hà Nội hiện có 05/12 bến xe liên tỉnh đang khai thác sử dụng; 03/12 bến đã có dự án đầu tư, chủ trương đầu tư; 03/12 bến xe đang triển khai các thủ tục để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng tạm dừng thực hiện do chờ phê duyệt Quy hoạch chính thức; 01/12 bến chưa nghiên cứu. 05/12 bến xe tải đang khai thác hoạt động và đã được đầu tư; 03/12 bến đang triển khai các thủ tục để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng tạm dừng thực hiện do chờ phê duyệt Quy hoạch chính thức; 04/12 bến chưa nghiên cứu triển khai đầu tư. 57/1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đang khai thác sử dụng; 66/1.620 đang triển khai đầu tư và chưa có bãi đỗ xe trung chuyển P&R được hình thành theo quy hoạch.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20%-26% cho đô thị trung tâm; diện tích đất cho giao thông tĩnh phải đạt 3%-4%.

Tuy nhiên, tính đến nay, dân số của thành phố Hà Nội là trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại Thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến 14/02/2023 là hơn 7.860.151phương tiện các loại, trong đó xe ô tô (1.073.518 xe), xe máy (6.602.162 xe), xe máy điện (184.471 xe), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26%-0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%.

Hiện nay, diện tích đất của Thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8%-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên; trung tâm thương mại; khu chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị và tại nhà dân...

Với tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện gây áp lực rất lớn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe…).

Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc thiếu các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe trên địa bàn (đặc biệt là trong khu vực Vành đai 3) và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân là một thực tế hiện nay đối với thành phố Hà Nội. 

Việc sử dụng một phần hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ xe hiện nay chỉ là phương án, giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân trong khi các bãi đỗ xe chưa được đầu tư theo quy hoạch.

Chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị

Theo ngành Giao thông vận tải Hà Nội, trong các năm 2019, 2020 diễn biến dịch COVID-19 phức tạp làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như đã ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng vận tải hành khách công cộng của người dân dẫn đến sự mất cân bằng giữa tăng trưởng phương tiện giao thông và phát triển hạ tầng kỹ thuật càng ngày tăng.

Việc thực hiện chủ trương các dự án từ năm 2019 trở về trước gặp nhiều khó khăn do Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 mới chỉ mang tính định hướng, đặc biệt là dự án xây dựng ngầm do Thành phố chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị và chưa có quy hoạch chi tiết, chưa xác định cụ thể vị trí đất điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, một số vị trí chưa được cập nhật trong quy hoạch phân khu. Việc thiếu văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý xây dựng, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến vấn đề này.

Sau điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội (năm 2008) dẫn đến hệ thống các đồ án quy hoạch từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. 

Cùng với những khó khăn trên, kinh phí đầu tư ban đầu cho các dự án đầu tư bến xe, bãi đỗ xe công cộng là khá lớn, thời gian thu hồi vốn và khả năng thu hồi vốn khó khả thi dẫn đến nhà đầu tư chưa quan tâm tham gia đầu tư. Một số vị trí, địa điểm kêu gọi đầu tư dự án bến, bãi đỗ xe công cộng chưa thực sự thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng thu hồi đất để triển khai các dự án cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, các vấn đề như thiếu vắng các loại hình giao thông công cộng có khả năng vận chuyển khối lượng lớn trên những tuyến giao thông có lưu lượng hành khách lớn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng chưa có, tính kết nối giữa các tuyến vận tải chưa cao cũng là những nguyên nhân khách quan dẫn đến giao thông tĩnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Về nguyên nhân chủ quan, việc lựa chọn các nhà đầu tư cho lĩnh vực này còn gặp khó khăn do nhiều nhà đầu tư/chủ đầu tư thực hiện báo cáo giám sát đánh giá đầu tư còn chưa đầy đủ; năng lực tài chính còn hạn chế; chưa thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư/nhà đầu tư theo quy định; chưa chủ động giải quyết những vi phạm trong quá trình thực hiện.

Công tác đôn đốc theo dõi tổng hợp hệ thống báo cáo giám sát đánh giá đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thường xuyên, kịp thời. Các cơ quan chuyên môn chưa chủ động đề xuất về các cơ chế, chính sách và giải pháp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Sự chỉ đạo, phối kết hợp vẫn còn những hạn chế, chưa quyết liệt kịp thời; Công tác dự báo, đánh giá tình hình còn chưa theo kịp với thực tế phát triển. Trong quá trình triển khai, việc phối hợp giữa địa phương và cơ quan chuyên môn còn chưa thực sự hiệu quả.

Chất lượng dịch vụ của một số tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh không theo kịp nhu cầu của hành khách, dẫn đến hành khách sử dụng các loại hình vận tải khác và không đến bến xe.

Các bến xe và đơn vị vận tải chưa làm tốt công tác dịch vụ vận tải tại bến xe. Một số bến xe khách trên địa bàn Thành phố chưa được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách vào bến. Công tác kiểm tra, công bố bãi đỗ xe theo phân cấp tại một số quận, huyện chưa được triển khai đồng bộ, việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động trông giữ phương tiện chưa quyết liệt, còn để tồn tại các điểm trông giữ tự phát. Chưa áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý hoạt động bãi đỗ xe, như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vé và doanh thu.

Cùng với đó, mức phí và giá trông, giữ phương tiện áp dụng theo quy định trên địa bàn Thành phố còn chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư, ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư, khả năng kêu gọi đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư bãi đỗ xe.

Trước những khó khăn này, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện ngành giao thông đang kiến nghị Thành phố một số giải pháp ưu tiên để giải quyết tồn tại, phát triển giao thông tĩnh đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Minh Anh

Bài 2-Giao thông tĩnh Hà Nội: Quy hoạch và chính sách là hai vấn đề gốc rễ