xuân

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đô thị vệ tinh gắn với phát triển công nghiệp

Nhịp Sống Sài Gòn

Với việc hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu đang rất cần phát triển các khu đô thị vệ tinh nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, công nhân và đội ngũ chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp.

Hướng tới mục tiêu toàn tỉnh có 14 đô thị

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với lợi thế về địa lý, tài nguyên khoáng sản, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là một trong những “đầu tàu” về kinh tế của cả nước. Những năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có tốc độ phát triển hàng đầu cả nước, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, du lịch, khai thác khoáng sản. Chính sự phát triển mạnh mẽ như vậy đã khiến cho vùng duyên hải này gặp nhiều áp lực về hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đô thị vệ tinh gắn với phát triển công nghiệp ảnh 1
Quy hoạch chi tiết dự án Lan Anh 7
Trước nhu cầu thiết thực, cấp bách về nhà ở, các dịch vụ xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2015-2025. Theo đó, chương trình phát triển đô thị nhằm xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu trở thành tỉnh công nghiệp, cảng biển theo hướng hiện đại. Hệ thống đô thị với chức năng cảng biển, trung tâm logistics, công nghiệp chuyên sâu, dịch vụ, du lịch, thương mại, giáo dục, đào tạo nghề..., song song với đầu tư phát triển hệ thống điểm dân cư nông thôn. 

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu cũng chú trọng đầu tư khung hạ tầng kết nối vùng kinh tế trọng điểm; không ngừng phát triển các đô thị như Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền - Long Hải và hình thành mới các đô thị chuyên ngành, làm động lực phát triển trục hành lang kinh tế công nghiệp, cảng biển và hành lang kinh tế dịch vụ, du lịch nhằm khai thác thế mạnh tổng hợp kinh tế biển.

Mục tiêu của chương trình phát triển đô thị là đến năm 2020 toàn tỉnh có 12 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh dự kiến khoảng 60%. Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có 14 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I gồm TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa; 3 đô thị loại III gồm Long Điền - Long Hải, Phú Mỹ, Côn Đảo; 2 đô thị loại IV gồm Ngãi Giao và Phước Bửu. 7 đô thị loại V gồm các thị trấn hiện hữu như Đất Đỏ, Phước Hải; các thị trấn thành lập mới gồm Kim Long, Bình Châu, Lộc An, Hòa Bình và Hồ Tràm. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến khoảng 70%.

Ngay sau khi chương trình phát triển đô thị được phê duyệt, thị trường bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở nên rất sôi động. Đặc biệt, tại các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp như Châu Đức, Phú Mỹ, TP Bà Rịa, nhu cầu nhà, đất ở tăng một cách đột biến.

Theo ghi nhận tại huyện Châu Đức, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư, người dân đã đổ xô mua đất xã Nghĩa Thành và Suối Nghệ, nhất là khu vực gần Dự án KCN đô thị Châu Đức. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Đức cho biết, tình hình mua bán đất sôi động ở huyện Châu Đức trong thời gian qua phần lớn tập trung ở khu vực có vị trí gần các KCN đang hình thành, dọc theo quốc lộ 56 và các tuyến đường lớn của huyện.

Đại diện UBND huyện Châu Đức cho biết, giao dịch về đất đai tăng mạnh trên địa bàn huyện trong thời gian qua cho thấy những tác động từ phía chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hiện nay, đã có sự chuyển dịch về cơ cấu lao động của huyện, nhiều gia đình con em đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động, nên nhu cầu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp giảm. Do đó, một số người dân đã sang nhượng bớt để đầu tư phát triển một số lĩnh vực khác nhằm phát triển kinh tế. 

Phát triển đô thị vệ tinh cho các khu công nghiệp

Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở của người dân, công nhân và đội ngũ chuyên gia tại các khu công nghiệp trên địa bàn, huyện Châu Đức đã phê duyệt một số khu dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Mới đây, UBND huyện Châu Đức quyết định phê duyệt dự án khu dân cư Lan Anh 7 tại xã Nghĩa Thành. Dự án Khu dân cư Lan Anh 7 (Dự án Lan Anh 7) tọa lạc tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức do Công ty TNHH MTV Lan Anh làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích giai đoạn 1 là 9,8 ha. Dự án có vị trí đắc địa khi nằm giữa hai khu công nghiệp lớn là KCN đô thị Châu Đức và KCN Hòa Long, nơi đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đô thị vệ tinh gắn với phát triển công nghiệp ảnh 2
UBND huyện Châu Đức công bố quy hoạch chi tiết Dự án Lan Anh 7
Tại buổi công bố quyết định phê duyệt chi tiết 1/500 Dự án Lan Anh 7, ông Nguyễn Duy Trinh, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thành chia sẻ, dự án này có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật của xã. Đồng thời, dự án góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới của xã Nghĩa Thành. 

Chia sẻ về việc xây dựng Dự án Lan Anh 7, bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lan Anh cho biết, hiện tại công ty đang tiến hành xây dựng hạ tầng cho giai đoạn 1 của dự án, về cơ bản hạ tầng dự án đã được hoàn thành. Công ty phấn đấu trước Tết Dương lịch sẽ hoàn thành việc làm sổ đỏ cho người dân.

Bà Phương cũng cho biết, công ty mong muốn khi thực hiện giai đoạn 2 dự án, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép công ty xây dựng một khu nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp, công nhân tại 2 KCN Châu Đức và KCN Hòa Long.

Theo tìm hiểu, khi thực hiện dự án, Công ty TNHH MTV Lan Anh đã chi ra hàng tỷ đồng để xây dựng một số tuyến đường cho người dân sống gần Dự án Lan Anh 7, đồng thời công ty còn hỗ trợ xây dựng nhà cho một số gia đình gặp khó khăn.

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Đức, với việc hình thành KCN đô thị Châu Đức thì nhu cầu nhà ở sẽ tăng cao trong thời gian tới. Với vị trí đặc biệt, giáp ranh với TP Bà Rịa, nằm giữa 2 KCN Châu Đức, KCN Hòa Long, Dự án Lan Anh 7 sẽ là “thỏi nam châm” thu hút người dân về sinh sống, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

THANH THANH/SGGPO