Theo Chỉ thị, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, nhất là cơ sở điều hành bay tăng cường đảm bảo an toàn trong điều hành bay. Đồng thời, rà soát công tác bố trí ca, kíp trực để đảm bảo các kiểm soát viên không lưu có trình độ, kinh nghiệm phù hợp trong mỗi ca trực.
Đồng thời, quán triệt kiểm soát viên không lưu tăng cường chú ý trong việc nghe tổ lái nhắc lại nội dung huấn lệnh kiểm soát không lưu, cũng như quan sát, theo dõi chặt chẽ tàu bay trong các giai đoạn tiếp cận hạ cánh, xả đà, lăn, lấy đà, cất cánh để kịp thời thông báo cho tổ lái khi phát hiện các bất thường.
Doanh nghiệp phải định kỳ nghe ghi âm hoặc trực tiếp đánh giá kiểm soát viên không lưu và ca trực về quy trình hiệp đồng, điều hành bay, việc tuân thủ thuật ngữ tiêu chuẩn, cấp, nghe, nhắc lại, phát hiện và kịp thời sửa lại huấn lệnh kiểm soát không lưu (khi cần thiết), giám sát thực hiện huấn lệnh kiểm soát không lưu.
Thành lập Tổ nghiên cứu đánh giá việc khai thác hoạt động bay tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu VATM tổ chức thống kê các trường hợp tổ lái không tuân thủ nghiêm huấn lệnh kiểm soát không lưu (nhắc lại không đầy đủ, không đúng, thực hiện sai huấn lệnh kiểm soát không lưu), định kỳ gửi về Cục để có các biện pháp xử lý phù hợp, thông báo tới các hãng hàng không nhằm ngăn ngừa tái diễn.
Cùng đó, tiến hành rà soát và bổ sung nguyên tắc ưu tiên trong công tác điều hành bay với các chuyến bay cất cánh - hạ cánh, lăn - cất cánh để bổ sung vào Tài liệu hướng dẫn khai thác của cơ sở điều hành bay.
Doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng công tác bình giảng về các sự cố trong hoạt động bay. Chỉ rõ các tồn tại, nguyên nhân, biện pháp cần khắc phục và gắn nội dung này vào công tác huấn luyện của cơ sở nhằm bảo đảm ngăn ngừa lặp lại các sự cố tương tự.
VATM cũng được yêu cầu thành lập Tổ nghiên cứu đánh giá việc khai thác hoạt động bay tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, nghiên cứu các quy định, hướng dẫn của ICAO và Việt Nam nhằm xác định thời điểm và cự ly để cấp huấn lệnh cho tàu bay khởi hành khi tàu bay còn lại đang tiếp cận hạ cánh ở đường cất hạ cánh (CHC) bên cạnh với các điều kiện áp dụng kèm theo, báo cáo kết quả để xem xét đưa vào các tài liệu hướng dẫn khai thác liên quan.
Ngoài ra, doanh nghiệp này phải nghiên cứu xây dựng quy định, quy trình để các Trung tâm Kiểm soát đường dài (ACC Hà Nội, ACC Hồ Chí Minh), Kiểm soát tiếp cận tầng cao Đà Nẵng (CTL) dừng cấp huấn lệnh đường dài cho các chuyến bay khởi hành tới sân bay đến có điều kiện thời tiết bất lợi nhằm hạn chế việc tàu bay phải bay chờ, chuyển hướng đi sân bay dự bị.
Với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng quán triệt tổ lái tuân thủ các hạn chế, giới hạn về tốc độ, độ cao của phương thức bay tại khu vực các sân bay. Thực hiện nghiêm hướng dẫn của Cục về việc nghe, nhắc lại huấn lệnh kiểm soát không lưu.
Các hãng phải có biện pháp xử lý quyết liệt với người lái nếu để xảy ra sự cố mất an toàn hoạt động bay liên quan đến nội dung này.
Bên cạnh đó, tuân thủ quy trình khai thác, tránh xảy ra việc hiểu nhầm huấn lệnh, không thực hiện đúng huấn lệnh và cân nhắc quyết định việc cho tàu bay khởi hành tới sân bay đến có điều kiện thời tiết bất lợi.
Chỉ cấp phép các hệ thống, thiết bị đủ tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn khai thác
Đối với công tác khí tượng, VATM được yêu cầu đẩy nhanh đầu tư thiết bị MET (khí tượng hàng không) dự phòng tại các sân bay đảm bảo đủ dự phòng tối thiểu theo quy định. Cục Hàng không Việt Nam chỉ cấp phép khai thác cho các hệ thống, thiết bị đủ tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn khai thác.
Cùng đó, xúc tiến các giải pháp cải tiến chất lượng thông tin dự báo, nghiên cứu tăng tần suất cập nhật bản tin TAF (bản tin dự báo thời tiết tại cảng hàng không, sân bay) hoặc quán triệt cập nhật TAF AMD (bản tin dự báo thời tiết tại cảng hàng không, sân bay bổ sung), cũng như tổ chức lực lượng nhân viên MET hiệu quả để tận dụng nguồn lực tốt nhất, thiết thực, nâng cao chất lượng dự báo sân bay.
Về các hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu VATM tăng cường hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị nhằm duy trì độ tin cậy, tính sẵn sàng ở mức độ dự phòng.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là đầu tư sớm phân hệ ATM (quản lý không lưu) tại Trung tâm kiểm soát đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh để đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục và an toàn, nghiên cứu việc phân cấp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.
Doanh nghiệp cũng phải nghiêm túc chấn chỉnh công tác báo cáo sự cố hoạt động bay, ý thức văn hóa an toàn của doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.
Kiểm soát chặt chẽ vật thể lạ tại khu bay
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) được yêu cầu rà soát quy trình, hướng dẫn công tác bảo trì, duy tu, bảo dưỡng đường cất hạ cánh (CHC) và rà soát, bố trí nhân lực được đào tạo, có trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, bảo trì đường cất hạ cánh tại các cảng hàng không.
ACV phải chỉ đạo các cảng hàng không rà soát, thống kê, xác định lại tình trạng và tuổi thọ các đường CHC từ khi xây dựng, đưa vào khai thác dân dụng cho đến nay. Kịp thời đề xuất, kiến nghị việc ưu tiên danh mục bảo trì, danh mục cần phải sửa chữa lớn các đường CHC ngay trong năm 2023-2024.
Liên quan tới sự việc vật ngoại lai gia tăng xuất hiện tại một số cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV chủ trì họp với các cảng hàng không, rà soát tổng thể và soát lại số liệu, chỉ số liên quan đến vật thể lạ, vật ngoại lai (FOD).
ACV phải thực hiện quy trình nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, xác định mức độ cảnh báo đối với các cảng hàng không có sự gia tăng về chỉ số vật thể lạ, vật ngoại lai. Từ đó, triển khai cụ thể giải pháp để tăng cường kiểm soát và ngăn chặn FOD tại mỗi cảng hàng không.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ vai trò của người khai thác cảng hàng không, sân bay theo quy định, kịp thời yêu cầu các hãng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu bay và cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất, đơn vị thi công trên khu bay kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng FOD phát sinh từ phương tiện phục vụ mặt đất, hoạt động thi công.
Phải quản lý, kiểm tra kỹ thuật với các phương tiện kỹ thuật và dụng cụ trong khu bay, cũng như yêu cầu bộ phận, nhân viên hoạt động trên khu bay rà soát quy trình quản lý công cụ, dụng cụ mang vào khu bay và nâng cao ý thức của người lao động trong việc ngăn ngừa, phát hiện, xử lý FOD trên khu bay.
Cục Hàng không cũng yêu cầu ACV chỉ đạo các cảng hàng hàng không khu vực tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát và có biện pháp chế tài xử lý với các đơn vị hoạt động tại cảng vi phạm các quy định kiểm soát FOD tại cảng hàng không, sân bay.
HA