Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký Nghị quyết số 130/2024/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; báo cáo tài chính nhà nước năm 2023; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024; xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội...
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025: phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công trung hạn; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; Công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2024; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2024; kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân năm 2023 và năm 2024; kết quả hoạt động và việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 2 năm 2023 và năm 2024; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Cũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội xem xét Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”...
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội: chỉ đạo tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10; trực tiếp tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến Chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
Căn cứ Chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật; tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới phương thức giám sát; nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, theo dõi, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội cần chủ động đổi mới hoạt động giám sát của mình theo hướng tăng cường tính độc lập, hạn chế phụ thuộc vào Chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu cần thiết về nội dung giám sát theo yêu cầu; thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc kết luận, kiến nghị sau giám sát; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt các kết luận, kiến nghị và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thanh Quang
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/ubtvqh-giam-sat-chuyen-de-ve-phat-trien-va-su-dung-nguon-nhan-luc-a96722.html