Đức Mạnh (lớp 10, Hà Nội) thích lễ khai giảng năm học mới bởi nó đánh dấu một trang mới trong cuộc đời học sinh, giúp em nhận ra sự trưởng thành của mình. "Nếu như khai giảng được tổ chức một ngày, đồng loạt trên cả nước thì đó sẽ là ngày tựu trường vô cùng ý nghĩa", Mạnh nói. Nhớ về 9 mùa khai giảng đã qua, Mạnh nhận ra nhiều người vô tình quên mất ý nghĩa của ngày khai trường, mà xem đó là dịp để "than khổ vì phải đứng nắng nhiều".
Đức Mạnh kể, khi học ở THCS Sơn Tây, có một năm trường được đón lãnh đạo của Hà Nội về dự lễ khai giảng. Trước đó học sinh toàn trường phải tập diễu hành, đi đứng, cách chào quan khách suốt mấy ngày liền. “Bình nước của trường liên tục hết vì nhu cầu sử dụng của học sinh cao. Chúng em ai cũng mệt lử. Các thầy cô thì liên tục giục cố lên có đại biểu về xem đấy. Em thấy việc này có lẽ được nhà trường coi trọng hơn cả đón học sinh mới”, Mạnh chia sẻ.
Nam sinh Hà Nội cho biết thêm, điều khiến nhiều học sinh như em cảm thấy không thích ngày khai giảng còn là việc thầy cô phát biểu nhiều quá. Những thành tích, giải thưởng được nêu ra, em cho rằng cần thiết để học sinh biết, tự hào, phấn đấu theo nhưng không cần nói quá nhiều. “Lúc các thầy phát biểu em vẫn nghe những thấy thật chán nản. Thi thoảng em nói chuyện với các bạn và lấy cớ để quạt nữa. Nếu có thể thay đổi, em nghĩ các thầy cô nên phát biểu ít đi và giảm những thủ tục gây mệt mỏi cho chúng em”, Mạnh nói.
Lễ khai giảng năm học 2014-2015 của một trường miền núi ở Lào Cai. Ảnh: CTV. |
Anh Thư (cựu học sinh THCS Phan Đình Giót) cũng chia sẻ, lễ khai giảng lâu nay thường kéo dài, gây mệt mỏi. 4 năm học cấp hai, năm nào em cũng phải tập diễu hành 2-3 tiếng mỗi ngày trong thời tiết nắng nóng. Học sinh phải cố gắng làm theo lời thầy cô để có một ngày lễ tốt nhất cho nhà trường. “Trong lễ khai giảng, ngoài những háo hức thì nhiều lúc chúng em thấy rất nản. Chúng em tập trung lúc 7h thì 8-9h đại biểu mới đến. Bài phát biểu thì dài miên man mà đa số học sinh không để ý”, Thư nói.
Theo Thư, lễ khai giảng quan trọng là có thầy và trò nhà trường, đại biểu tham dự hay không chẳng ảnh hưởng. Nữ sinh đồng tình với quyết định cả nước khai giảng vào một ngày thay vì để các trường sắp xếp lịch lộn xộn, đôi khi phải theo lịch của đại biểu về dự.
Từng tham dự cả lễ khai giảng ở trường mầm non của con và lễ khai giảng ở trường tiểu học của cháu, chị Giang Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết ngày khai giảng ở trường mầm non dù giản tiện nhưng trường vẫn yêu cầu học sinh xếp hàng cả tiếng dưới nắng. “Hôm đó các cháu nhỏ đều nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ lừ. Được phát cờ để vẫy nhưng các bạn nhỏ quá mệt mỏi nên chỉ ngồi ủ rũ, không chú ý ở trên các thầy cô nói gì. Cháu nào may mắn có bố, mẹ tiếp nước thì tu ừng ực vì quá khát”, chị nhớ lại.
Trường tiểu học của cháu chị Thanh, trước ngày khai giảng học sinh phải mất gần một tuần lễ tập nghi thức. Đến ngày này, các cháu không còn tỏ ra háo hức hơn ngày thường là bao dù trường trang trí đẹp mắt, vì trên thực tế học sinh đã vào học chính thức từ trước đó cả tháng, đã quen với bạn bè và thầy cô. Sau buổi lễ khai giảng dài lê thê với nhiều bài phát biểu, điều mà cháu chị Thanh thu nhận chỉ là các bạn hôm nay mặc đẹp thế nào, trường treo bóng bay, cờ ra sao.
Phản đối những buổi khai giảng lấy người lớn làm trung tâm như trên, phụ huynh Thanh cho rằng lễ khai giảng cần tập trung vào học sinh và tổ chức đơn giản, không tốn quá nhiều công sức trang trí, tập duyệt.
Một giáo viên cấp 3 tại Hà Nội ủng hộ quy định về khai giảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cho rằng hiện nay nhiều trường học sinh đã đi học từ đầu tháng 8, đến ngày khai giảng không còn hứng thú. "Tôi chỉ mong được trở lại ngày xưa. Sau ngày khai giảng 5/9 mới bắt đầu đi học. Nhưng hiện nay các trường hiện đã cho học sinh học theo phân phối chương trình năm học mới từ 17/8. Đến 5/9 khai giảng chỉ là hình thức, chẳng còn ý nghĩa tựu trường, ngày hội của học trò nữa", nam giáo viên chia sẻ.
Quỳnh Trang - Lan Hạ
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/hoc-sinh-phu-huynh-ung-ho-khai-giang-dong-loat-tren-ca-nuoc-a840.html