Học thêm, dạy thêm tràn lan không còn là vấn đề mới đối với giáo dục Việt Nam, thế nhưng nó chưa bao giờ là nguội và vẫn luôn nhận được sự quan tâm từ rất nhiều người, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh. Hệ quả của việc dạy thêm - học thêm không đúng cách sẽ tàn phá nền tri thức của thế hệ tương lai đất nước. Phải không ngoa khi nói rằng nó còn nghiêm trọng hơn cả nạn ô nhiễm môi trường, nước biển nhiễm độc, cá tôm chết hiện nay.
Học thêm chưa bao giờ là xấu, nhưng việc học - dạy thêm không đúng cách, hiểu sai về học thêm, một số người làm biến tướng việc học thêm, đặc biệt khi một số nhà giáo mang con chữ ra kinh doanh một cách bất chấp, để thu lại những khoản lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng giáo dục. Và thực trạng ấy hàng ngày vẫn diễn ra trên mọi nơi. Học thêm từ mầm non cho đến cấp 3 lớp nào cũng có, ở đâu cũng có trung tâm dạy thêm, giáo viên dạy thêm ngoài giờ. Với góc độ một phụ huynh, tôi luôn lo lắng về việc học của con mình trước thực trạng này.
Con trai tôi đã học lớp 3, ngay từ đầu tôi xác định học rất quan trọng nhưng chơi cũng quan trọng không kém, hãy để cho con được hưởng trọn vẹn bầu trời tuổi thơ đúng với lứa tuổi. Tôi quyết định ngoài thời gian học trên lớp, không cho cháu học thêm, mà tự hướng dẫn cháu học ở nhà, dạy cháu những kỹ năng sống thực tế, vui chơi lành mạnh. Thế nhưng ngày nào cháu đi học về cũng bảo “mẹ ơi, cô bảo con đi học thêm”, một tuần thì đến 3 hôm cháu về nhắc như thế.
Tôi đi đón cháu thì đại loại như “Thanh hôm nay làm bài chậm chị ạ”, “Thanh hôm nay nghịch chị ạ”... Tôi không bênh con nhưng luôn tìm hiểu sức học của cháu và quyết định cho cháu đi học thêm thử thì tình trạng “mắng vốn” đã không còn nữa. Quyết tâm theo dõi những buổi dạy thêm của cô tại nhà, chẳng có gì ngoài vài ba bài toán viết lên bảng cho các cháu ở bên dưới làm cùng vài lời nói đại khái qua loa. Rồi thành tích cuối năm thì đa số giỏi, xuất sắc. Tôi chẳng biết nói gì ngoài chữ buồn cho giáo dục, chỉ biết chạy theo những thành tích ảo, lợi nhuận về kinh tế mà quên mất đi chữ tâm trong nghề.
Ở lớp lớn hơn, gần như có một lệ là phải học thêm môn của các cô đứng lớp để bổ sung kiến thức ở trường, để ôn thi tốt nghiệp, thi vào cấp 3… Ngay gần hẻm nhà tôi, có ngôi nhà khang trang 3 tầng với tấm biển nhỏ đã được che chắn lại phủ màu đỏ nhưng vẫn lờ mờ đọc ra dòng chữ trung tâm dạy thêm. Bên dưới là tên thầy giáo, chiều nào cũng tấp nập học sinh. Em thì đi xe đạp, em được bố mẹ chở đến. Đây là một sơ sở dạy thêm môn Văn của một giáo viên về hưu sớm.
Trong vai phụ huynh đi hỏi học thêm cho con em, tôi được một phụ nữ trạc 55 tuổi bảo học phí 500 nghìn/tháng, có tất cả ca sáng, chiều, tối các ngày trong tuần kèm lời giới thiệu nào là được tặng huân chương lao động, giáo viên dạy giỏi. Bên cạnh đó là tiếng học sinh văng vẳng “bữa trước tao ngủ, không chép bài”, “lát vô lớp đánh cờ caro đi”… Nhìn sơ qua một lượt, lối cầu thang lên lầu khá nhỏ, tiếng chuông reo báo hiệu giờ học đến, hình ảnh học sinh chen lấn, xô đẩy nhau lên lớp học, kèm tiếng cười đùa, vô tư. Lấy lý do để về sắp xếp lịch học rồi dẫn con đến ghi danh, tôi ra về. Tìm hiểu thêm mới biết với hàng trăm học sinh, ngoài thầy về hưu còn có vài thầy khác là sinh viên năm 2.
Chẳng biết trong số các học sinh hàng ngày đến lớp học thêm đó sẽ tiếp thu được bao nhiêu phần trăm kiến thức, bao nhiêu em thi đậu được trường chuyên lớp chọn, khi mà phụ huynh “thần thánh hóa” việc học thêm, xem học thêm như một trào lưu cho bằng bạn bằng bè. Hay chỉ lên lớp ngồi đó như một thông lệ, chữ nghe bên tai này rồi chạy qua tai bên kia rớt tọt ra ngoài, không đọng lại dư vị nào tựa như nước chảy lá môn.
Cụ thể cho trường hợp này cô bé Anh con của chị bạn tôi, là học sinh lớp 9 tại một trường THCS. Ngày 2 buổi đến trường, 16h30 chiều tan học cháu lại vội vã đến lớp học thêm, bữa tối là bánh mì, nước lọc đóng chai ngay trên xe máy sau lưng mẹ. Hết ca này lại chạy sang ca kia với đủ các môn nào là Toán, Lý, Hóa, Văn… 21h tối cháu mới về đến nhà trong trạng thái mệt mỏi. Tắm rửa, ăn vội thức ăn bà chuẩn bị, cháu lại làm bài tập để hôm sau đến lớp. Ngày nọ tiếp nối ngày kia, từ thứ hai cho đến thứ bảy, kể cả chủ nhật cũng kín lịch với các ca học thêm.
Thế nhưng, kết quả cuối năm cũng không như mong đợi và kèm theo lời giải thích “con đã cố gắng, nhưng chỉ có thể đến thế”. Thỏ thẻ nói chuyện với mẹ bé thì nhận được chia sẻ “ai cũng đi học thêm, học lực bé lại ở mức trung bình nên cũng muốn cho đi học để cải thiện tình trạng và cũng nóng lòng, sợ con thua thiệt bạn bè”. Từ bao giờ chuyện học thêm đã trở thành “liều thuốc tinh thần” cho phụ huynh học sinh, dẫu biết trước kết quả không như những gì mong đợi?
Học thêm tràn lan, không đúng cách đang tàn phá đi nền tri thức của thế hệ trẻ, làm hỏng thế hệ trồng người, làm tha hóa tâm đức của người cầm phấn khi đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Qua đây mong các bậc cũng là phụ huynh như tôi nhìn nhận đúng hơn về tầm quan trọng học thêm cho con em mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có biện pháp, quy định cụ thể để ngăn chặn vấn nạn này.
Minh Vấn
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/tran-tro-cua-mot-phu-huynh-truoc-van-nan-day-them-a836.html