(Ảnh minh họa)
1. Mục đích cuộc họp
Mục đích của những cuộc họp này là để tăng cường mối liên hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường nhằm thảo luận, lấy ý kiến, tìm ra các giải pháp phối hợp, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh. Nhưng mục đích đó nhiều khi chưa đạt.
Thường trong mỗi năm học, nhà trường tiểu học thường tổ chức vài cuộc họp phụ huynh học sinh.
2. Tồn tại của những buổi họp phụ huynh
Nhưng, trên thực tế, nhiều cuộc họp phụ huynh học sinh vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Nhất là, cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học còn dành quá nhiều thời gian cho việc thu các khoản tiền trong đó có việc vận động phụ huynh tích cực đóng góp các khoản “tự nguyện”.
Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh, vai trò của Ban liên lạc phụ huynh cũng chưa thực sự phát huy hết tác dụng với tư cách là một tổ chức đại diện cho tất cả các phụ huynh có con em theo học trong lớp, trong trường.Các cuộc họp phụ huynh học sinh thường được tổ chức vào các dịp: đầu năm học mới, cuối học kỳ 1 và cuối năm học.
Thời gian dành cho mỗi cuộc họp phụ huynh thường chỉ được “gói gọn” trong khoảng trên dưới 2 tiếng.
Mặc dù không đồng tình với các khoản đóng góp "tự nguyện" nhưng nhiều phụ huynh vẫn đóng cho xong
3. Quy trình của buổi họp phụ huynh
Diễn biến của một cuôc họp phụ huynh học sinh thường là:
+ Ổn định tổ chức, điểm danh mất khoảng 15 - 20 phút;
+ Thông báo tình hình trường lớp trong thời gian qua
Giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình, nề nếp học tập dạy và học của trường, lớp trong thời gian qua, phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới; phương hướng, chỉ tiêu về học lực, hạnh kiểm của học sinh. Phần “thông báo” này của giáo viên chủ nhiệm thường mất khoảng 1 tiếng.
+ Phần thông báo kết quả học tập:
+ Phần thông báo các khoản thu
Phần tiếp theo là công bố những khoản thu theo quy định chung của nhà trường cùng những khoản xã hội hóa khác, phần này cũng mất khoảng 30 phút vì giáo viên còn phải giải thích cho phụ huynh hiểu cặn kẽ về nội dung các khoản thu, đặc biệt là những khoản thu “tự nguyện” không nằm trong “phần cứng”.
Cuối mỗi buổi họp, giáo viên chủ nhiệm lại phải dành ra một khoảng thời gian nhất định để trực tiếp thu các khoản tiền của những phụ huynh đã mang sẵn đi và đang lăm le để nộp. Với chừng ấy nội dung công việc, khoảng thời gian giáo viên chủ nhiệm trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi học sinh nhằm phối hợp với phụ huynh có biện pháp giáo dục thích hợp là rất hạn chế.
Các bậc phụ huynh cũng không có đủ thời gian để có thể trình bày hết được những ý kiến, đề xuất của bản thân để phối hợp, nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của con em mình.
Tình trạng cuộc họp chỉ diễn ra một chiều, tức là chỉ có giáo viên truyền đạt còn phụ huynh chỉ biết ngồi nghe là khá phổ biến. Ở một số cuộc họp, trong khi giáo viên nói, một số phụ huynh còn nói chuyện riêng, làm việc riêng.
Đôi lúc, tiếng chuông điện thoại của ai đó đột ngột vang lên rồi phụ huynh tự ý bỏ ra khỏi phòng nghe điện thoại, hút thuốc khiến cho không khí nghiêm túc cần thiết của cuộc họp bị ảnh hưởng.
Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm thì vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm là các khoản đóng góp. Ngoài những khoản đóng góp theo đúng quy định còn có những khoản thu “phần mềm” ngoài quy định.
Hiện nay, tình trạng lạm thu ở một số nhà trường đang được biến tướng và núp bóng dưới hình thức xã hội hóa và “tự nguyện” của phụ huynh học sinh. Trên lý thuyết, các khoản thu ngoài quy định đều phải được sự đồng ý và thống nhất cao của đa số phụ huynh và trên tinh thần “tự nguyện” là chính. Việc đóng góp nhiều hay ít là tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình học sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường đã “xé rào” bằng cách ngầm ấn định những “mức sàn” tối thiểu mà mỗi phụ huynh học sinh phải đóng góp. Khi giáo viên chủ nhiệm hoặc đại diện Ban đại diện phụ huynh đứng ra phát động thu và thông báo về các “mức sàn” cần huy động, đóng góp, có phu huynh không đồng tình nhưng không dám tỏ thái độ, không dám đứng lên phát biểu ý kiến phản đối.
Phần vì cho rằng khi đa số đồng ý thì thiểu số có phản đối cũng không có ý nghĩa gì, phần vì cả nể giáo viên chủ nhiệm, sợ con em mình sẽ bị gặp khó khăn trong quá trình học tập nên đành “cắn răng” để “tự nguyện” góp cho yên chuyện. Và như thế, cuộc họp phụ huynh trở thành dịp để hợp thức hóa các khoản tiền “xã hội hóa”.
Nhiều phụ huynh đi dự họp trong tâm thế chỉ để nghe phổ biến các khoản tiền nộp và quy định về thời gian nộp. Mong cho cuộc họp mau chóng kết thúc để nộp tiền rồi… ra về. Ở đây, vai trò của tổ chức đại diện phụ huynh học sinh trong các cuộc họp phụ huynh còn khá mờ nhạt, chưa phát huy hết vai trò của mình.
Trưởng ban đại diện thường do giáo viên chủ nhiệm gợi ý có tính chất chỉ định, nhất là với những lớp đầu cấp, các phụ huynh trong lớp thường chưa quen biết nhau.
Khi đã “nhận chức” thì vị trưởng ban đại diện phụ huynh thường sẽ làm nhiệm vụ trong suốt cả khóa học. Những vị đó thường là những người có “vai vế” hoặc có điều kiện về kinh tế, có tài ăn nói, thuyết phục.
Trước mỗi cuộc họp phụ huynh, trưởng ban đại diện phu huynh sẽ được nhà trường mời dự một cuộc “họp kín”. Trong cuộc họp này, nhà trường “quán triệt” việc thực hiện các khoản tiền theo quy định nói chung, các khoản “tự nguyện” nói riêng.
Các trưởng ban đại diện sẽ là “hạt nhân” vận động phụ huynh thực hiện. Vai trò của trưởng ban đại diện với tư cách là người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của các phụ huynh, cũng như “cầu nối” với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, nói chung là còn mờ nhạt, và bị xem nhẹ.
Trong quá trình giáo dục học sinh, nhân tố gia đình giữ một vai trò quan trọng. Do đó, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình thông qua các cuộc họp, tiếp xúc giữa phụ huynh học sinh với đại diện nhà trường, trực tiếp qua giáo viên chủ nhiệm lớp là điều cần thiết.
Thông qua cuộc họp phụ huynh học sinh, các bậc phụ huynh có thể nắm được tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình từ đó giúp phát huy những điểm mạnh, uốn nắn, khắc phục những điểm yếu với mục đích cuối cùng là “vì tương lai của các cháu” như lời của nhiều bậc làm cha, làm mẹ thường nói trong các cuộc họp phụ huynh.
4. Làm thế nào cho buổi họp phụ huynh đạt hiệu quả
Tuy nhiên, để những cuộc họp phụ huynh học sinh thực sự phát huy hiệu quả, cần cải tiến hình thức trình bày nội dung trong các cuộc họp theo hướng tập trung vào việc thảo luận, bàn bạc các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.
Các nội dung khác cần báo cáo nhanh, gọn tránh làm mất thời gian. Sau khi kết thúc mỗi cuộc họp, phụ huynh phải nắm được một cách tương đối đầy đủ những ưu điểm, nhược điểm trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình.
Nhằm tăng cường thiết lập mối quan hệ giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh, nên chăng, cần tiếp tục duy trì hình thức dùng sổ liên lạc như có thời gian trước đây nhiều nhà trường vẫn làm.
Hình thức này có thể giúp các bậc phụ huynh có thể quán xuyến được tình hình học tập, tu dưỡng, rèn luyện của con em mình trong từng ngày, từng tuần, từng tháng.
Ban đại diện phụ huynh học sinh cũng cần đổi mới phương thức hoạt động. những người giữ nhiệm vụ trưởng ban ở các lớp phải là người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của những phụ huynh khác.
Vai trò của trưởng ban phụ huynh học sinh cần được thể hiện rõ nét và thiết thực trong các cuộc họp phụ huynh, nhất là khi đưa ra bàn bạc, thống nhất các khoản đóng góp “tự nguyện” để chủ trương xã hội hóa giáo dục đi đúng hướng.
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/lam-the-nao-cho-buoi-hop-phu-huynh-dat-hieu-qua-a835.html