Bộ Tư pháp kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật tại Cao Bằng

(Chinhphu.vn) - Chiều 13/11, Đoàn Kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ Tư pháp do TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã làm việc tại xã Lương Thông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Báo cáo của UBND xã Lương Thông cho biết, hiện nay, toàn xã có 12 Tổ hòa giải, 57 hòa giải viên trong đó có: 13 hòa giải viên là nữ, 57 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Trong 10 năm qua tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 65/65 vụ việc.

Thường xuyên kiện toàn Tổ hòa giải và hòa giải viên, hồ sơ kiện toàn, bầu hòa giải viên được thực hiện đầy đủ, có văn bản đề rnghị kèm danh sách đề nghị của Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc, có Quyết định công nhận hòa giải viên, Tổ trưởng Tổ hòa giải.

Đối với công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND xã đã ban hành Quyết định phân công công chức chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá, chấm điểm đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, đã tham gia tập huấn về nghiệp vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng tổ chức.

Quy trình đánh giá, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 được thực hiện bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Năm 2022, xã tự đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với điểm số 83 điểm; Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thẩm định với 82 điểm. Công chức Tư pháp – Hộ tịch còn chưa hiểu rõ về một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Một số nội dung thực hiện tốt như đã có nội quy tiếp công dân theo quy định…

Đánh giá tại cuộc làm việc, TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Trưởng đoàn thay mặt Đoàn kiểm tra ghi nhận sự tích cực, nỗ lực và kết quả đạt được của UBND xã Lương Thông trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong bối cảnh phải đảm nhận khối lượng công việc ngày càng nhiều, nguồn lực hạn chế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua kiểm tra cho thấy một số nhiệm vụ còn tồn tại, hạn chế cần sớm được xã Lương Thông khắc phục trong thời gian tới. Đoàn kiểm tra cho rằng, để triển khai và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình mới cũng như yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, gắn với xây dựng, hoàn thiện thể chế với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, Đoàn kiểm tra đề nghị chính quyền xã Lương Thông, Phòng Tư pháp huyện Hà Quảng và Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng cần quan tâm triển khai một số nội dung như:

Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và bảo đảm thực chất, tránh hình thức. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ nếu có khó khăn, vướng mắc thì xã cần kịp thời đề nghị cấp trên, cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Khắc phục những hạn chế mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra như xây dựng Kế hoạch PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật sát với điều kiện thực tế của địa bàn, bảo đảm khả thi trong triển khai thực hiện, việc lập và cập nhật danh mục thông tin phải công khai theo đúng quy định.

Rà soát, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, bảo đảm chấm điểm đúng thực chất đối với một số tiêu chí đã được chỉ ra; quan tâm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt là việc chi thù lao cho hòa giải viên, để bảo đảm quyền lợi cho hòa giải viên theo quy định; chỉ đạo kiện toàn lại Tổ hòa giải tại các Tổ hòa giải chưa có hòa giải viên nữ, bảo đảm tối thiểu hòa giải viên nữ trong Tổ hòa giải; hằng năm thống kê hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn xã theo quy định của Bộ Tư pháp.

Đoàn kiểm tra đề nghị Phòng Tư pháp huyện Hà Quảng, Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo UBND xã Lương Thông rà soát, chấm điểm, đánh giá lại chính xác các chỉ tiêu, tiêu chí mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra; bổ sung tài liệu đánh giá còn thiếu, chưa rõ ràng; chỉ đạo các đơn vị cấp xã trên địa bàn rà soát, chấm điểm lại các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cấp xã trên địa bàn; chú trọng việc tổ chức tập huấn, kiểm tra chuyên đề về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật, để hỗ trợ, giải đáp các vấn đề mà cơ sở còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc.

Đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng, cấp phát tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn (tập trung hướng dẫn kỹ năng, đặc biệt là phạm vi hòa giải ở cơ sở, kỹ năng viết Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở… cho hòa giải viên).

Kịp thời sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật, chú trọng khen thưởng hòa giải viên, tuyên truyền viên, tổ hòa giải.

Lê Sơn


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/bo-tu-phap-kiem-tra-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-tiep-can-phap-luat-tai-cao-bang-a74375.html