4 vụ tranh chấp bản quyền ầm ĩ nhất của làng phim Hoa Ngữ

Tranh chấp bản quyền giữa biên kịch với biên kịch, biên kịch và phía nhà sản xuất… đang ngày càng trở nên phổ biến trong làng phim ảnh Hoa Ngữ.

Tranh chấp bản quyền giữa biên kịch với biên kịch, biên kịch và phía nhà sản xuất… đang ngày càng trở nên phổ biến trong làng phim ảnh Hoa Ngữ.

 

 

 

"Xâm phạm bản quyền tác giả" đang trở thành cụm từ được Tòa án thành phố Bắc Kinh quan tâm khi mà gần đây, họ liên tiếp phải nhận những đơn kiện từ phía biên kịch hay các nhà sản xuất phim truyền hình. Những hành vi như đạo văn, sao chép không xin phép… hay tự do sử dụng quyền tác giả đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực sự của những bộ phim được trình chiếu. Việc kiện tụng, đấu khẩu, lật tẩy lẫn nhau trên mạng xã hội cũng khiến cho người hâm mộ "thở dài ngao ngán", diễn viên tham gia tác phẩm bị tố cáo cũng đành "bó tay" chịu trận. Dưới đây là 4 sự việc tranh chấp gây ầm ĩ, hao tốn nhiều bút mực nhất của làng phim ảnh Hoa Ngữ.
 
 
1. Trận chiến giữa "mẹ đẻ Hoàn Châu" Quỳnh Dao và biên kịch Vu Chính
 
Vào năm 2014, khi bộ phim Cung Tỏa Liên Thành của Vu Chính được trình chiếu trên đài Hồ Nam, khán giả xem truyền hình nhận thấy bộ phim này có nội dung hoàn toàn trùng khớp với Mai Hoa Lạc – một trong những tiểu thuyết rất nổi tiếng của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Tại thời điểm đó, Quỳnh Dao cũng đang có ý định làm lại Mai Hoa Lạc, việc phát hiện "đứa con tinh thần" của mình bị Vu Chính ăn cắp trắng trợn đã khiến bà tức giận đến đổ bệnh. Ngay lập tức, Quỳnh Dao đã gửi thư lên Tổng cục phát thanh, truyền hình và điện ảnh Trung Quốc cùng Toàn án nhân dân Bắc Kinh để kiện Vu Chính tội ăn cắp bản quyền tác phẩm.
 
Khi Quỳnh Dao đệ đơn kiện Vu Chính, đã có hơn 30 nhà văn và biên kịch kí tên để ủng hộ bà. Trong giới biên kịch Trung Quốc, dù Vu Chính là một cái tên trẻ nhưng anh đã gặt hái được nhiều thành công. Biên kịch này thường xuyên "góp nhặt" ý tưởng từ những tác phẩm đi trước, rồi coi đó là "sự phát triển cái mới trên nền cái sẵn có". Trước đó, Mỹ Nhân Tâm Kế hay Mỹ Nhân Thiên Hạ đều rơi vào vòng nghi vấn đạo nhái kịch bản nhưng không có một đơn vị nào dám đứng ra kiện Vu Chính. Hành động của nữ văn sĩ Quỳnh Dao được ví von với việc "tiền bối dạy dỗ hậu bối" – văn chương là thứ không thể mượn.
 
 Tác phẩm "Cung Tỏa Liên Thành" của Vu Chính đạo nhái "Mai Hoa Lạc" của Quỳnh Dao
 
Ngày 25/12/2015 – trải qua hơn 1 năm xem xét và thẩm tra, tòa án Nhân dân Bắc Kinh đã công bố Quỳnh Dao thắng kiện, Vu Chính phải công khai xin lỗi và bồi thường cho nữ nhà văn 20 triệu NDT (gần 70 tỷ VNĐ). Không chỉ có vậy, Cung Tỏa Liên Thành bị cấm chiếu, danh tiếng và uy tín của Vu Chính cũng bị ảnh hưởng nặng nề kể từ sau vụ kiện.
 
 
Quỳnh Dao thắng kiện đã khiến danh tiếng của Vu Chính trong giới biên kịch bị ảnh hưởng nặng nề
 
 
2. Hai mẹ một con – Mị Nguyệt Truyện bị tố coi thường mẹ đẻ
 
Bom tấn cổ trang dài tập này đã dính phải vụ tranh chấp giữa hai biên kịch là Tưởng Thắng Nam và Vương Tiểu Bình. Vốn dĩ, tiểu thuyết Mị Nguyệt Truyện được Tưởng Thắng Nam viết và đăng tải trên mạng Tấn Giang kể từ 2009. Sau này, công ty Hoa Nhi muốn làm thành phim truyền hình nên đã liên hệ với Tưởng Thắng Nam. Do tiểu thuyết chưa được xuất bản và chỉ được lưu truyền trên mạng, nên Tưởng Thắng Nam chỉ có thể ký hợp đồng biên kịch với công ty Hoa Nhi.
 
 
Sau đó, vì yêu cầu kịch bản mà công ty phải mời thêm biên kịch Vương Tiểu Bình chắp bút, chỉnh sửa đến 6 lần trước khi chính thức khai máy. Khi poster của Mị Nguyệt Truyện được công bố, "mẹ đẻ" Tưởng Thắng Nam không hề có tên mà thay vào đó chỉ có mình "mẹ nuôi" Vương Tiểu Bình được đề tên. Tưởng Thắng Nam hết sức phẫn nộ và đã viết một bài văn dài bày tỏ sự bức xúc của mình. Theo bài viết, Tưởng Thắng Nam bị hất cẳng khỏi mọi hoạt động tuyên truyền, cũng như không nhận được đồng tiền biên kịch nào.
 
Tuy nhiên, nhà sản xuất Mị Nguyệt Truyện đã đưa ra thông cáo phản pháo và tố cáo Tưởng Thắng Nam dối trá. Trong hợp đồng ghi rõ, Mị Nguyệt Truyện được cải biên từ tiểu thuyết của Tưởng Thắng Nam. Do Vương Tiểu Bình đã phải mất nhiều công sức chỉnh sửa theo yêu cầu của nhà sản xuất, nên việc đề tên biên kịch như vậy là hoàn toàn hợp lí.
 
Hiện tại, vẫn chưa có quyết định phân xử cho sự việc này. Nhưng hệ lụy của nó là khiến rating Mị Nguyệt Truyện không được cao như mong đợi.
 
 
3. Ma Thổi Đèn – Yêu Tháp Chín Tầng: Tác giả kiện đạo diễn vi phạm bản quyền
 
Phim điện ảnh Ma Thổi Đèn – Yêu Tháp Chín Tầng không chỉ trở thành "bom xịt" của năm 2015 mà còn bị chính tác giả tiểu thuyết kiện với tội danh vi phạm bản quyền.
 
Ma Thổi Đèn – Yêu Tháp Chín Tầng vốn được cải biên từ cuốn tiểu thuyết trộm mộ cùng tên của nhà văn Thiên Hạ Bá Xướng. Thiên Hạ Bá Xương đã kí kết hợp đồng chuyển nhượng nội dung với công ty điện ảnh Trung Quốc và đạo diễn Lục Xuyên. Tuy nhiên, khi phim ra mắt, trên poster không hề đề tên của Thiên Hạ Bá Xướng. Đến kịch bản của phim cũng bị chỉnh sửa khác xa so với nội dung của tiểu thuyết. Lúc này, Thiên Hạ Bá Xướng đã đệ đơn lên Toàn án phía Tây thành phố Bắc Kinh, đòi lại quyền tác giả cho bộ truyện của mình.
 
 Tác giả Thiên Hạ Bá Xướng, phim điện ảnh Ma Thổi Đèn – Yêu Tháp Chín Tầng cùng đạo diễn Lục Xuyên
 
Thiên Hạ Bá Xướng cho rằng, việc đạo diễn Lục Xuyên tự ý chỉnh sửa nội dung mà không bàn bạc với mình là hành vi không tôn trọng đối tác. Hơn nữa, tự ý chỉnh sửa nội dung sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cuốn tiểu thuyết đã được nhiều bạn trẻ yêu thích. Đáp lại những lời của Thiên Hạ Bá Xướng, đạo diễn Lục Xuyên cho rằng, làm phim không nên phức tạp hóa các vấn đề. Những chi tiết không thể thực hiện thì nên thay đổi.
 
Hiện tại, Thiên Hạ Bá Xướng cũng đã đề đơn lên tòa án Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp, ông yêu cầu được xin lỗi và bồi thường 1 triệu NDT (hơn 3 tỷ VNĐ).
 
 
4. Phỉ Ngã Tư Tồn bị tố là kẻ "bẻ cong" sự thật
 
Ngày 1/4 mới đây, nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn cũng bị cuốn vào vòng tranh chấp với công ty trách nhiệm hữu hạn văn hóa truyền thông Tử Tinh Tuyền khi bán lại bản quyền cuốn Mê Vụ Vi Thành (tên gọi khác: Dạ Sắc).
 
5 năm trước, Phỉ Ngã Tư Tồn từng bán bản quyền bộ tiểu thuyết Dạ Sắc cho Công ty trách nhiệm hữu hạn văn hóa truyền thông Tử Tinh Tuyền để dựng thành phim truyền hình. Theo hợp đồng, bộ truyện này sẽ được dựng thành phim trong vòng 5 năm. Nhưng đến tận ngày 12/3/2016, khi hợp đồng chỉ còn 3 ngày nữa là hết hạn thì công ty Tử Tinh Tuyền mới ấn định ngày bấm máy. Điều này đã khiến Phỉ Ngã Tư Tồn phật lòng.
 
 Cuốn tiểu thuyết Dạ Sắc của nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn
 
Phỉ Ngã Tư Tồn cho hay, đã có 2 công ty gợi ý mua lại Dạ Sắc nhưng đều bị nữ nhà văn từ chối. Phỉ Ngã Tư Tồn đưa ra mức giá 12 triệu NDT (hơn 41 tỷ VNĐ) để kéo dài hợp đồng bản quyền với công ty. Nhưng nhà chế tá Thường Sa – người đứng đầu Tử Tinh Tuyền không đồng ý với giá mà Phỉ Ngã Tư Tồn đưa ra và vẫn sẽ tiếp tục quay bộ phim này.
 
Công ty Tử Tinh Tuyền đưa ra thông cáo giải thích rằng, trong suốt 5 năm vừa qua, họ đã phải mời rất nhiều biên kịch đến cộng tác với Phỉ Ngã Tư Tồn. Do quan điểm của hai bên đối nghịch nên nhiều lần không đi đến thống nhất. Chi phí để mời biên kịch mới lên đến 6 triệu NDT (hơn 20 tỷ VNĐ). Vậy nên, giá Phỉ Ngã Tư Tồn đưa ra là quá cao, công ty không thể đáp ứng. Cộng thêm việc nữ văn sĩ không chịu thay đổi chi tiết truyện cho phù hợp, điều này cũng khiến công ty chịu tổn thất.
 
Hiện tại, hai bên mới dừng lại ở việc đưa ra thông cáo để giải thích và làm rõ vấn đề chứ chưa có ý định kiện ra tòa.
 
 
 
(Tổng hợp)
 

Theo Xiao Chi Chi / Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/4-vu-tranh-chap-ban-quyen-am-i-nhat-cua-lang-phim-hoa-ngu-a718.html