Cần cơ chế đặc thù, chính sách đột phá tạo nguồn lực cho Thủ đô phát triển

(Chinhphu.vn) - Ngày 2/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó có đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Và một trong chín nhóm chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là nhóm chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô.

Theo các chuyên gia, các chính sách này được đề xuất nhằm tăng năng lực về ngân sách, tạo sự ổn định và tính tập trung về nguồn tài chính, tăng tính chủ động và sự linh hoạt trong điều hành ngân sách phục vụ mục tiêu phát triển Thủ đô. Đồng thời, thu hút đầu tư xã hội để hỗ trợ cho nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai nhằm thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại (trọng tâm là phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, các công trình trọng điểm phát triển đô thị, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông thôn và KHCN của Thủ đô).

Thời gian qua, Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa chính sách trên và xây dựng các điều khoản trong dự thảo Luật với nhiều quy định cụ thể.

Huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) kế thừa cơ bản nội dung Điều 21 Luật Thủ đô 2012, đồng thời luật hoá một số quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội mà qua quá trình triển khai trong thực tế cho thấy, các chính sách thí điểm này là phù hợp, hiệu quả, có thể đề xuất luật hoá để thực hiện chính thức.

Trong đó, các quy định về ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và thưởng cho Thủ đô; áp dụng một số loại phí, lệ phí chưa có trong Danh mục theo quy định của Luật Phí, lệ phí; việc hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản phí chủ yếu là kế thừa quy định của Luật Thủ đô 2012, luật hóa quy định của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 115/2020/QH14. 

Bên cạnh đó, Khoản 5 dự thảo Luật quy định UBND thành phố Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành hoặc bảo lãnh Chính phủ mà không bị hạn chế mức trần. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định.

Khoản 6 dự thảo Luật quy định ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, vùng Thủ đô, các dự án PPP, dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội. Hằng năm, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỉ lệ điều tiết cụ thể phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn vốn.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân sách 

Trên cơ sở luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 115/2020/QH14, Điều 37 dự thảo Luật quy định các chính sách đặc thù trong sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, trong đó chủ yếu cho phép HĐND thành phố Hà Nội được quyền quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ các địa phương phát triển. 

Cụ thể, sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình tài sản công đã có do thành phố Hà Nội quản lý (điểm b khoản 1 Điều 37).

Thực tế hiện nay, hệ thống các trụ sở, công trình trong trụ sở cơ quan nhà nước phát sinh nhu cầu thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới các hạng mục công trình với giá trị không lớn nhưng có tính cấp bách, phát sinh thường xuyên hoặc đột xuất và có quy mô kinh phí nhỏ, khó kế hoạch hoá nên thường không được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn khiến việc triển khai không kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Việc cho phép được sử dụng nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các công trình đã có (chưa nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn) nhằm bảo đảm tính kịp thời, linh hoạt và tính chủ động trong điều hành chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương.

Dự thảo Luật cũng quy định về việc sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ các địa phương khác trong nước, các địa phương tại các nước khác trong các trường hợp cần thiết, cho phép cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các quận, huyện, thị xã khác của thành phố Hà Nội và các đơn vị cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ an sinh xã hội (Điểm d Khoản 1 Điều 37); sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư, công trình, dự án trọng điểm có tính chất vùng, liên tỉnh nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thủ đô và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thủ đô phù hợp với quy hoạch và kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Điểm đ Khoản 1 Điều 37).

Hiện nay, nhu cầu đầu tư các dự án có tính chất vùng, liên vùng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm là rất lớn. Trong khi đó, một số địa phương khác trong vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc ngân sách Trung ương chưa cân đối được nguồn vốn nên nhiều dự án có tính động lực, liên vùng thuộc địa giới hành chính của các địa phương khác kết nối với Hà Nội chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Do đó, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội có thể sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố chi cho các khoản đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương hoặc của địa phương khác.

Tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, phương thức thực hiện dự án đầu tư

Điều 38 dự thảo Luật quy định về việc cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, tương tự như cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng thí điểm cho tỉnh Khánh Hoà theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội.

Việc cho phép thành phố Hà Nội có một số cơ chế chính sách đặc thù trong huy động nguồn lực tài chính - ngân sách nhằm "tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển" mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật ngày 24/8 vừa qua. Trong đó, về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cho rằng, cần quy định cơ chế đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô; đồng thời các quy định cần phù hợp thực tiễn, linh hoạt, không cứng nhắc, dễ thực hiện, giảm tối đa thủ tục hành chính, khâu trung gian, tăng cường chuyển đổi số, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu rà soát tổng thể để tiếp tục thể chế hóa, hiện thực hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến Thủ đô Hà Nội, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước cho Thủ đô, nhất là về bộ máy, cán bộ, biên chế, nguồn lực, tài chính (thuế, nguồn lực đất đai, các hình thức hợp tác công tư, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng – TOD), giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, quy hoạch, môi trường…

Lê Sơn


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/can-co-che-dac-thu-chinh-sach-dot-pha-tao-nguon-luc-cho-thu-do-phat-trien-a67730.html