Nỗ lực kết nối con người và vũ trụ

Lĩnh vực hàng không vũ trụ đang chứng kiến nhiều bước phát triển đột phá của các quốc gia tiên tiến trong vài năm qua, làm cho mối liên kết giữa loài người và vũ trụ ngày càng gần gũi hơn.

Tàu vũ trụ New Horizons của NASA được phóng lên không gian năm 2006, hiện đang du hành nghiên cứu trong vũ trụ. (Nguồn: NASA)
Tàu vũ trụ New Horizons của NASA được phóng lên không gian năm 2006, hiện đang du hành nghiên cứu trong vũ trụ. (Nguồn: NASA)

Trong số những thiết bị của loài người phục vụ mục đích nghiên cứu không gian quỹ đạo, phải kể đến số lượng “khủng” các loại vệ tinh.

Theo nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell, thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ), hiện có hơn 5.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, cao gấp năm lần so với cách đây hơn 10 năm.

Riêng công ty SpaceX của tỷ phú người Mỹ Elon Musk đã phóng khoảng 2.000 vệ tinh Starlink trong vài năm gần đây. Nếu các công ty như Amazon, Boeing đều tham gia chinh phục vũ trụ, các nhà khoa học dự đoán Trái đất sẽ có thêm khoảng 30.000 vệ tinh trong 10 năm tới.

Trả lời câu hỏi của trang Space.com rằng, tình hình trên quỹ đạo sẽ như thế nào nếu các kế hoạch hiện nay cho các vệ tinh của SpaceX Starlink, OneWeb và Amazon Kuiper thành hiện thực, nhà nghiên cứu Jonathan McDowell cho rằng: “Nó sẽ giống như một đường cao tốc liên bang vào giờ cao điểm trong cơn bão tuyết và mọi người lái xe quá nhanh”.

Nở rộ công ty vũ trụ tư nhân

Ở Mỹ, việc thám hiểm không gian từng là chương trình do chính phủ hậu thuẫn, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc gia. Tuy nhiên, sau hai vụ nổ tàu con thoi gây chết người (tàu Challenger năm 1986 và tàu Columbia năm 2003), chính phủ Mỹ bắt đầu giảm dần các chương trình cấp nhà nước.

Tuy các chương trình vệ tinh kết hợp giữa nhà nước và tư nhân đã xuất hiện từ những năm 1960, nhưng phải đến khi chương trình tàu con thoi kết thúc và chính thức bị hủy bỏ năm 2011, hàng loạt công ty thương mại vũ trụ tư nhân mới bắt đầu “nở rộ”.

Quốc hội Mỹ đã đề ra một chính sách mới, mang tên là Chương trình Dịch vụ vận tải thương mại trên quỹ đạo, để khuyến khích tư nhân hóa công cuộc chinh phục không gian.

Kể từ đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ đã trở thành khách hàng của các công ty tư nhân trong lĩnh vực không gian. Những công ty nổi tiếng đã khẳng định được vai trò trong lĩnh vực này là SpaceX, Blue Origin, OneWeb, Orbital ATK, ViaSat, SES…

Theo Financial Times, thế giới hiện có hơn 10.000 công ty vũ trụ thương mại phát triển trong hơn 20 năm qua. Trong đó, SpaceX là công ty “danh tiếng” nhất với việc phóng hàng nghìn vệ tinh cho cả mục đích công và tư. Dịch vụ Starlink của tỷ phú Musk đã giúp Ukraine duy trì mạng Internet, ngay khi các dịch vụ viễn thông khác bị đóng cửa do xung đột.

Ngân hàng Mỹ dự đoán ngành công nghiệp vũ trụ sẽ trị giá tới hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030.

Theo báo cáo năm 2022 của NASA, chính phủ các quốc gia tiên tiến đều đã tăng mức đầu tư vào ngành công nghiệp vũ trụ dân sự và quân sự. Chi tiêu của Ấn Độ tăng 36%, Trung Quốc tăng 23% và Mỹ là 18%.

Chinh phục “Hằng Nga”

Trong nỗ lực chinh phục vũ trụ của con người, Mặt trăng luôn được coi là mục tiêu hàng đầu.

Vụ việc tàu đổ bộ Luna-25 của Nga thất bại hôm 20/8 đã kết thúc sứ mệnh đầu tiên của Nga trong gần 50 năm qua. Tuy vậy, Giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos Yuri Borisov cho biết, họ đã lên kế hoạch tiến hành thêm ít nhất ba sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng trong bảy năm tới. Sau đó, Nga và Trung Quốc có thể hợp tác trong sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng có con người tham gia.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển tàu vũ trụ cùng các thiết bị phục vụ mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030.

Mỹ và Trung Quốc cũng tiến hành các chương trình thăm dò cực Nam của Mặt trăng, để tìm kiếm nguồn băng nước đủ lớn có thể được sử dụng để chiết xuất nhiên liệu, oxy, cũng như dùng làm nước uống. Việc tìm ra nguồn nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình con người chinh phục và định cư lâu dài trên Mặt trăng.

Hai nước này cùng có chương trình đưa sự hiện diện của con người ở cực Nam và lập căn cứ lâu dài trên Mặt trăng. Gần đây nhất, NASA cho biết sứ mệnh Artemis II nhằm đưa bốn phi hành gia lên quỹ đạo Mặt trăng sẽ được tiến hành vào tháng 11/2024.

Chưa đầy một tuần sau khi sứ mệnh Luna-25 của Nga thất bại, ngày 23/8, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ xuống cực nam của Mặt trăng. Như vậy, đất nước sông Hằng trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới từng hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống bề mặt Mặt trăng, cùng với Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây.

Phát biểu ngay sau thời khắc lịch sử này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: “Đây là chiến thắng vang dội cho một Ấn Độ mới” và thành công này không chỉ của riêng Ấn Độ mà của toàn nhân loại.

Vụ phóng tàu Chandrayaan-3 đổ bộ thành công lên Mặt trăng là sứ mệnh lớn đầu tiên của Ấn Độ sau khi chính phủ ông Modi công bố các chính sách thúc đẩy đầu tư cho cuộc đua không gian. Kể từ năm 2020, Ấn Độ mở cửa cho tư nhân khiến số lượng công ty vũ trụ khởi nghiệp tăng gấp đôi.

Không thể không nhắc đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) của một nhóm các nước do Mỹ đứng đầu, phục vụ cho các hoạt động của vệ tinh, công nghệ quốc phòng, phân tích dữ liệu và thậm chí cả du lịch vũ trụ. Trạm ISS được xây dựng năm 1998, đón phi hành đoàn đầu tiên đến trạm năm 2000. Từ thời điểm đó, ISS đã là “ngôi nhà chung” của các nhà nghiên cứu vũ trụ đến từ các nước trên thế giới, như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada…

Thám hiểm không gian, bao gồm các sứ mệnh chung trên trạm ISS, là lĩnh vực duy nhất mà Nga và Mỹ đang hợp tác hiệu quả bất chấp căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

');$('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst'));})

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/no-luc-ket-noi-con-nguoi-va-vu-tru-a67386.html