Sau 2 quý lỗ nặng, giảm 70-99% lợi nhuận..., triển vọng nửa cuối năm 2023 của DN phân đạm sẽ ra sao?

Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đã báo cáo khoản lợi nhuận giảm 2 chữ số trong quý vừa qua.

Sau năm 2022 bội thu với lợi nhuận cao kỷ lục, các doanh nghiệp phân bón đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngay từ đầu năm 2023.

Đạm Phú Mỹ và DAP Vinachem giảm gần hết lợi nhuận, Đạm Hà Bắc lỗ nặng

Trong quý 2 vừa qua, giá ure thế giới liên tục giảm mạnh, có lúc rơi xuống dưới 300 USD/tấn vào hồi đầu tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. So với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã giảm đến 70%. Đến tháng 7 giá ure cũng đã có phần hồi phục khi vượt mức 400 USD/tấn.

Nguyên nhân chủ yếu do các nhà sản xuất ở Châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên tăng lên và nhập khẩu LNG dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.

Sau 2 quý lỗ nặng, giảm 70-99% lợi nhuận..., triển vọng nửa cuối năm 2023 sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Không chỉ bất lợi về giá, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp phân bón cũng không mấy khởi sắc. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu 692.259 tấn phân bón các loại, tương đương 289,07 triệu USD, giá trung bình 417,6 USD/tấn, giảm 8,9% về khối lượng, giảm 42,2% về kim ngạch và giảm 36,5% về giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh không thuận lợi đã nêu trên, các doanh nghiệp trong ngành phân bón đã có thêm một quý báo cáo kết quả kinh doanh giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, còn có một doanh nghiệp báo lỗ đậm trong quý 2 vừa qua.

Sau 2 quý lỗ nặng, giảm 70-99% lợi nhuận..., triển vọng nửa cuối năm 2023 sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Hai ông lớn trong ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ (mã chứng khoán: DPM) và Đạm Cà Mau (mã chứng khoán: DCM) đều ghi nhận lợi nhuận giảm 2 chữ số trong quý vừa qua.

Cụ thể, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu ghi nhận 3.707 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 101 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và 92% so với thực hiện năm trước. Doanh thu giảm và giá vốn hàng bán tăng là nguyên nhân chính khiến kết quả của công ty đi xuống trong quý vừa qua. Đây cũng là khoản lãi thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quý 4/2020.

Còn với Đạm Cà Mau, doanh nghiệp này báo cáo kết quả quý 2/2023 với doanh thu 3.456 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 288 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 72% so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, kết quả của Đạm Cà Mau cũng đã cải thiện so với quý đầu năm.

Sau 2 quý lỗ nặng, giảm 70-99% lợi nhuận..., triển vọng nửa cuối năm 2023 sẽ ra sao? - Ảnh 4.

Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lợi nhuận giảm sâu như hai ông lớn Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là DAP - Vinachem (mã chứng khoán: DDV) . Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận quý 2/2023 chưa đến 1 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ. Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán: BFC) là doanh nghiệp có lợi nhuận giảm ít nhất trong nhóm với mức 4% còn 53 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc (mã chứng khoán: DHB) là doanh nghiệp duy nhất trong ngành báo lỗ trong quý vừa qua. Cụ thể, trong kỳ doanh nghiệp thuộc nhóm Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) lỗ hơn 350 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn là nguyên nhân chủ yếu khiến đơn vị ghi nhận khoản lợi nhuận âm trong quý vừa qua.

Sau 2 quý lỗ nặng, giảm 70-99% lợi nhuận..., triển vọng nửa cuối năm 2023 sẽ ra sao? - Ảnh 5.

Nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khănm giá ure có khả năng giảm tiếp

Mặc dù đã trải qua 2 quý đầu năm với nhiều khó khăn nhưng nhiều công ty chứng khoán dự báo ngành phân bón vẫn sẽ chưa gặp nhiều thuận lợi trong nửa cuối năm. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ của Đạm Phú Mỹ hồi tháng 6 vừa qua, ban lãnh đạo công ty năm 2023 sẽ là một năm khó khăn và thử thách đối với ngành phân bón khi mà các yếu tố về thị trường, giá khí có thể sẽ diễn ra không suôn sẻ.

Đáng chú ý là nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn cũng như các nguồn khí rẻ sụt giảm về sản lượng. Chính vì thế mà một trong những mục tiêu trọng điểm của công ty trong năm nay chính là tìm kiếm được nguồn khí ổn định dài hạn để có thể phục vụ cho hoạt động sản xuất đạm.

Đối với giá ure, Phó Tổng giám đốc Đạm Phú Mỹ Cao Trung Kiên nhìn lại năm 2022, bởi vì nguồn cung đứt gãy đã khiến cho giá ure tăng đột biến. Trong năm 2023 thì ngược lại, nguồn cung từ Trung Quốc, Nga đã trở lại khiến cho cung vượt cầu. Còn nhu cầu năm nay mặc dù đã cải thiện so với năm 2022 tuy nhiên vẫn chưa thể bằng với năm 2021.

Hiện tại thì giá FOB trung bình khoảng 240 – 250 USD/tấn và giá quy đổi ra đồng Việt Nam là dưới 8000 đồng/kg. So với thời kỳ cao điểm năm 2022, mức giá này chỉ bằng ¼. Các chuyên gia cũng dự báo giá sẽ giảm xuống 230USD. Mặc dù vậy thì Đạm Phú Mỹ cũng dự báo giá sẽ đi ngang và hồi phục trong nửa cuối năm. Trong năm 2023, dự báo cung vượt cầu cho nên giá khó có thể tăng đột biến, trừ các trường hợp khác biệt như chính trị,...

Còn theo nhận định của SSI Research, giá ure vẫn có thể giảm trong các quý tới, mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều so với  quý 1/2023.  Nhiều yếu tố vẫn có thể ảnh hưởng đến giá urê bao gồm: Giá nguyên liệu đầu vào (dầu/khí/than) có thể vẫn ở mức thấp. Sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga đã giảm bớt khi khối này khai thác các nguồn năng lượng khác.

Đối với than đá, Trung Quốc (nước sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất) sẽ tiếp tục tăng sản lượng than trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu còn thiếu từ các nhà máy nhiệt điện, qua đó giúp
giá than giảm. Trong 2 tháng đầu năm năm 2023, sản lượng than của Trung Quốc tăng 5,8% so với cùng kỳ (theo Reuters).

Sau 2 quý lỗ nặng, giảm 70-99% lợi nhuận..., triển vọng nửa cuối năm 2023 sẽ ra sao? - Ảnh 6.

Nhu cầu urê có thể vẫn yếu trong suốt cả năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông sản. Hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt ở Đông Nam Á, Australia và Nam Phi. Theo đó, nhu cầu có thể vẫn yếu trong các quý còn lại của năm 2023.

Kể từ nửa cuối năm 2022, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu bằng cách rút ngắn quy trình thông quan từ 90 ngày xuống còn khoảng 30 ngày. Sản lượng xuất khẩu ure của Trung Quốc tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá ure ở các nước lân cận.

Trong khi đó, sau khi nâng hạn mức xuất khẩu từ 5,9 triệu tấn cho giai đoạn tháng 12/2021 - tháng 5/2022 lên 8,3 triệu tấn cho giai đoạn từ tháng 7 - tháng 12/2022. Hiện tại, Nga đã tiến hành thắt chặt xuất khẩu trở lại. Sản lượng xuất khẩu hiện được giới hạn ở mức 5,9 triệu tấn cho giai đoạn tháng 12/2022 đến tháng 5/2023.

Tuy nhiên, Nga đã áp thuế xuất khẩu 23,5% đối với phân bón khoáng (bao gồm urê) có giá trên 450 USD/tấn được xuất khẩu ra bên ngoài Liên minh kinh tế Á-Âu, áp dụng từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023. Điều này khuyến khích các công ty sản xuất phân bón của Nga giảm giá xuất khẩu đầu năm 2023, khi giá ure trên 450 USD/tấn.  Giá urê trung bình hiện giao động khoảng 320-330 USD/tấn nên thuế xuất khẩu có thể không ảnh hưởng đến giá urê trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, theo Hải quan Việt Nam, xuất khẩu phân bón toàn ngành trong quý 1/2023 đạt 405.000 tấn, giảm 15% so với cùng kỳ . Xuất khẩu urê của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau lần lượt đạt 40.000 tấn (giảm 57%) và 92.000 tấn (giảm 38%) trong quý 1/2023. Do giá nguyên liệu giảm và các nước châu Âu đã tìm được sản phẩm thay thế dầu/khí của Nga, mối lo ngại về tình trạng thiếu urê giảm bớt, do đó Châu Âu có thể không cần nhập khẩu nhiều urê như trước.

Như vậy, tiềm năng xuất khẩu urê của các nước xuất khẩu urê trong đó có Việt Nam có thể giảm sút. Ngoài ra, ure Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá nên việc khôi phục xuất khẩu urê của Trung Quốc càng gây khó khăn hơn cho các công ty sản xuất urê của Việt Nam trong việc xuất khẩu.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/sau-2-quy-lo-nang-giam-70-99-loi-nhuan-trien-vong-nua-cuoi-nam-2023-cua-dn-phan-dam-se-ra-sao-a65332.html