Theo đó, cả 11 nhà máy này đều không đúng theo quy định của Hợp đồng mua bán điện và Giấy phép hoạt động điện lực.
Hôm 17/6, 11 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum có đơn kiến nghị “Về việc đề nghị huy động công suất các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được trên địa bàn tỉnh Kon Tum” gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Theo đơn này, từ tháng 3 đến nay, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải, không được Công ty Điện lực Kon Tum huy động công suất. Nguyên nhân do các nhà máy này phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc này gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho các nhà máy thủy điện. Để tránh bị sa thải, các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế.
Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành liên quan cho phép phát vượt công suất của Tổ máy - Nhà máy thủy điện vừa và nhỏ so với Hợp đồng mua bán điện và Giấp phép hoạt động điện lực cũng như Giấy khai thác nước mặt; Được phép phát lớn hơn điện lượng trung bình năm được phê duyệt đối với các năm có lưu lượng nước đến nhiều.
Phần giá trị phát dư sẽ được tính toán để nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vào đầu năm tài chính tiếp theo. Các doanh nghiệp cũng đề nghị thanh toán tiền đối với sản lượng phát vượt công suất.
Về vấn đề này, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã có văn bản gửi các chủ đầu tư nhà máy thủy điện phúc đáp các nội dung liên quan.
Về việc huy động công suất phát điện của các nhà máy thủy điện, Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho rằng, theo các quy định tại Khoản 2, Điều 48, Khoản 3, Điều 77 và Khoản 1, Điều 78 - Thông tư số 40/2014 của Bộ Công Thương quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia, căn cứ Quy trình phối hợp vận hành nhà máy thủy điện được ký kết giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện và đơn vị phân phối điện thì công suất huy động nhà máy thủy điện không vượt quá công suất tối đa của nhà máy được quy định trong Hợp đồng mua bán điện đã được ký kết.
Về việc phát vượt công suất, Tổng Công ty Điện lực miền Trung viện dẫn Điều 39 Luật Điện lực quy định: đơn vị phát điện có quyền, nghĩa vụ “Hoạt động phát điện và các hoạt động khác theo giấy phép hoạt động điện lực” và “Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia".
Cùng với đó là Hợp đồng mua bán điện mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008, Thông tư số 32/2014 của Bộ Công Thương quy định rõ các trường hợp thực hiện đều phải trên cơ sở Giấy phép hoạt động điện lực.
Ngày 27/6/2023, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 1491 gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện. Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước đối với các nhà máy thuỷ điện đã được xây dựng với quy mô công suất lắp máy và các thông số kỹ thuật đúng quy hoạch ngành điện, giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép tài nguyên nước,… tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.
Từ các cơ sở này, Tổng Công ty Điện lực miền Trung khẳng định, việc phát vượt công suất là chưa phù hợp theo quy định của Hợp đồng mua bán điện và Giấy phép hoạt động điện lực. Hiện, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn thực hiện huy động công suất phát vượt này.
Về việc thanh toán sản lượng điện phát vượt công suất, Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể về việc thanh toán đối với phần sản lượng tương ứng với công suất phát vượt quy định nên chưa có cơ sở thực hiện. Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn xử lý đối với phần sản lượng này.
Ông Lê Hoàng Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung - cho biết thêm: “Sau khi cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể về việc huy động công suất lớn hơn công suất được quy định trong giấy phép hoạt động điện lực sẽ là cơ sở để chúng tôi thực hiện sau này.
Vừa rồi, Công ty Điện lực Kon Tum cũng đã làm việc với 11 nhà đầu tư tại Kon Tum vừa có đơn phản ánh. Các nhà đầu tư cũng đã thống nhất ký vào biên bản theo hướng trong thời gian đến, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục huy động nguồn thủy điện “Tuân thủ theo Giấy phép hoạt động điện lực” cho đến khi có hướng dẫn mới.”