Chiều 25/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Xây dựng cơ chế đi trước, mở đường cho Thủ đô phát triển
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo về dự án xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, từ năm 2022 đến nay, TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo ông Trần Sỹ Thanh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012;
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển”, báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ.
Báo cáo cũng nêu rõ 5 quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và các kiến nghị, đề xuất liên quan, trong đó có những vấn đề khó khăn, như: Tăng thẩm quyền cho Thủ đô về tổ chức bộ máy; phân cấp, ủy quyền mạnh cho Thủ đô trong quyết định đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch...
Cho ý kiến về nội dung này, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho Hà Nội trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Dự thảo cần hoàn thiện, làm rõ thêm để bảo đảm tính khả thi, dễ thực hiện các chính sách ưu đãi, đặc thù, tăng cường phân cấp cho chính quyền thành phố trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở, cải tạo chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ,…
"Xác định rõ mô hình đặc thù của Thủ đô để từ đó, với vai trò trung tâm của vùng đô thị lớn, vùng Thủ đô để xác định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển phù hợp với vai trò, vị thế của thành phố. Kiểm soát chặt chẽ dân số khu vực nội đô lịch sử, bảo vệ giữ gìn phát triển không gian cây xanh, mặt nước, bảo đảm kiến trúc đô thị, cảnh quan đặc trưng của Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường và khai thác không gian ngầm", Bộ trưởng Xây dựng nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giao quyền cho Hà Nội, tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển, như cho phép thành phố dùng nguồn lực địa phương để đầu tư các công trình hạ tầng lớn quy mô dự án trọng điểm quốc gia hay các dự án có tính chất liên tỉnh; xử lý ô nhiễm môi trường; di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học; cơ chế giải quyết các dự án tồn đọng; cơ chế đặc thù về định mức, đơn giá...
Xác định rõ nhu cầu của đô thị đặc biệt
Thống nhất về mặt nguyên tắc đối với các quan điểm xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm sao thể chế hóa được quan điểm trực tiếp nhất hiện nay về phát triển Thủ đô là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước;
Trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại, an ninh, an toàn; văn hiến, văn minh, hiện đại; phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa, thúc đẩy vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật Thủ đô phải quy định những vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt là Thủ đô; xác định rõ nhu cầu của đô thị đặc biệt là Thủ đô; thực chất là đạo luật phân quyền để thực hiện hiệu quả nhất các nhu cầu quản trị và phát triển Thủ đô theo định hướng của Bộ Chính trị; bao gồm các nội dung về huy động, quản lý, sử dụng, khai thác tất cả các nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực; liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền Thủ đô...
"TP. Hà Nội tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp Nhân dân, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố các thời kỳ để hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng với đó làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy đây là sản phẩm của mình, do mình và cho mình. Cả nước cũng thấy được Luật Thủ đô là thực hiện đúng tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội"", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.