Tại buổi gặp mặt, những tấm gương thương binh tiêu biểu đã chia sẻ những câu chuyện vượt khó để tiếp tục cống hiến cho địa phương, cho đất nước, cả trong thời chiến và thời bình.
Như trường hợp của Thương binh Trần Ngọc Nam (sinh năm 1964, trú tại phường 11, quận 3) bị thương tại chiến trường Campuchia năm 1988 và được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Chú được xác định là thương binh hạng 1/4, tỉ lệ mất sức 84% với di chứng nặng nề. Vượt qua khó khăn về sức khỏe, khi trở về địa phương, chú vẫn tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường 11, quận 3 suốt 10 năm và hiện là Tổ phó Tổ an ninh khu phố 6, phường 11.
Trong thời gian tham gia Ban điều hành Tổ an ninh, giữa lúc dịch COVID-19 hoành hành, chú Nam xung phong làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác chống dịch, đảm nhiệm việc đi chợ giúp người dân và trực tại các chốt.
Những ngày tháng chống dịch căng thẳng, chú và con trai đã bị mắc COVID-19. Tuy nhiên, "chính những tin nhắn động viên, tình cảm của địa phương, của bà con là động lực để tôi tiếp tục cố gắng. Khi xét nghiệm cho kết quả âm tính, tôi lại quay trở lại tiếp tục công tác hỗ trợ chống dịch", chú Nam nói.
Khi chống dịch xong, chú Nam đã đề nghị Đảng ủy phường cho phép được hỗ trợ sách vở, thực phẩm cho các em trong khu phố có cha, mẹ qua đời trong đại dịch. Từ đó đến nay, vào mỗi dịp hè, chú vẫn đóng góp 2-3 triệu đồng, trích ra từ tiền chế độ thương binh, để hỗ trợ các em nhỏ.
"Trong chiến tranh, các thương binh đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước nhưng 'tàn nhưng không phế', chúng tôi vẫn muốn đóng góp một phần cho địa phương, cho đất nước", chú Nam chia sẻ.
Cũng thương binh hạng 1/4, để lại đôi mắt ở chiến trường nhưng hoàn cảnh của chú Trần Văn Tản càng éo le hơn khi người vợ chia tay, để lại một mình chú nuôi hai con ăn học, trưởng thành.
Chú hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thương binh nặng, đồng thời là Chủ tịch Hội người mù Quận 4. Chú đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa để đóng góp cho địa phương, giúp đỡ cho những người thương binh, khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn vượt lên trong cuộc sống. Chú đã vận động các mạnh thường quân giúp đỡ để giới thiệu việc làm, dạy nghề cho những người khiếm thị, từng bước giúp họ hòa nhập cộng đồng.
38 năm chăm sóc chồng bị liệt 2 chân
Tri ân những người vợ không quản nắng mưa, vất vả suốt bao nhiêu năm chăm sóc cho những thương binh nặng, không khí tại buổi họp mặt trở nên lắng lại khi cô Lê Hồng Ngọc (ở tại quận Phú Nhuận), có chồng là thương binh nặng Nguyễn Hải Quý, chia sẻ câu chuyện của mình.
Chú Nguyễn Hải Quý bị thương khi chiến đấu trên chiến trường Campuchia với tỉ lệ thương tật 92%, bị liệt 2 chân và không thể có con. Sau khi ra viện, chú được chẩn đoán là chỉ sống được thêm 5 năm, nhưng đến nay, đã 38 năm trôi qua, hai cô chú vẫn sống hạnh phúc và chia sẻ với nhau với một tình yêu vô bờ bến.
Cô Ngọc xúc động nói: "Ngày ấy, bản thân anh Quý cũng không muốn trở thành gánh nặng nhưng tôi nói rằng: Anh không tiếc thân thể hy sinh cho đất nước, cho nhân dân, vậy tại sao em không thể hy sinh được cho anh".
Trong sự cảm phục của mọi người, cô Ngọc chia sẻ: " Mỗi đêm, anh Quý ngủ nhiều lắm cũng chỉ được một tiếng, còn lại hầu như thức trắng vì đau. Sự chăm sóc của tôi dù có vất cả cũng không là gì so với những gì anh phải chịu đựng".
Cùng sự cảm kích lớn lao, cô Ngọc bày tỏ cảm ơn tới cấp ủy, chính quyền địa phương, doàn thể, bà con lối phố,... đã luôn quan tâm, đồng hành, giúp đỡ, thường xuyên thăm hỏi, động viên để vợ chồng cô vượt qua khó khăn.
Sống xứng đáng với các thế hệ cha anh
Tại buổi họp mặt, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, những người có công với đất nước. Những thương binh luôn, bệnh binh đã dũng cảm trong chiến đấu và khi trở về địa phương lại tiếp tục phát huy tinh thần, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế", đóng góp cho địa phương, đất nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định Ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm luôn là dịp tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu, dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Mỗi người phải luôn dặn lòng hãy sống, cống hiến xứng đáng với mong ước, kỳ vọng của các thế hệ cha anh.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị lãnh đạo và các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phát huy truyền thống "Thành phố nghĩa tình", luôn ưu tiên chăm sóc các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng như là đạo lý, là bổn phận, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.
Anh Thơ
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/dau-chien-tranh-hay-thoi-binh-chung-toi-van-muon-cong-hien-cho-dat-nuoc-a63831.html