Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 12/7.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, thời gian qua, công tác dân tộc trên phạm vi toàn quốc đã được các cấp, ngành quan tâm, tích cực triển khai. Bên cạnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều chính sách được ban hành, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay bộ máy cũng như năng lực công tác của cơ quan làm công tác dân tộc các cấp còn hạn chế do biên chế ít, thiết kế bộ máy chưa hoàn thiện. Mới có 46/51 tỉnh, thành phố có Ban Dân tộc cấp tỉnh, chỉ có hơn 270/713 huyện có Phòng Dân tộc cấp huyện; trong đó có 5 tỉnh không có Ban Dân tộc mà thành lập Phòng Dân tộc thuộc UBND tỉnh. Các huyện không có Phòng Dân tộc thì chỉ cử một đồng chí chuyên viên phụ trách lĩnh vực này.
Trong khi đối tượng, địa bàn quản lý rộng và khó nên nếu không có cách làm đúng thì chắc chắn không nắm được tình hình thực tiễn, khó đề xuất được chính sách hoặc đề xuất chính sách không trúng.
Qua khảo sát một số địa phương, Bộ trưởng Hầu A Lềnh dẫn chứng có dự án đề ra nhưng khi vào thực tiễn lại không có đối tượng để triển khai, có nội dung chưa làm được thì đã hoàn thành mục tiêu hoặc có nội dung không thể triển khai được do vướng cơ chế, vướng luật...
"Bắt đầu từ khâu đánh giá, khảo sát, rà soát ban đầu để xây dựng kế hoạch đã chưa chuẩn. Tới đây, phải rà soát tổng thể xem những dự án, chương trình, nội dung nào triển khai có hiệu quả và những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để điều chỉnh", Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Đồng thời đề nghị các cơ quan làm công tác tộc các cấp cần thay đổi nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; nắm chắc tình hình để đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời.
"Chúng ta phải nắm rất chắc các chủ trương, chính sách, nắm việc, thuộc việc, để biết cần làm gì, tham mưu, phối hợp như thế nào", Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội; nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh, di cư tự phát, các điểm "nóng" về an ninh trật tự..., đồng thời quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ đồng bào chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030.
Công tác tuyên truyền cũng cần đổi mới cả nội dung và hình thức để đến đồng bào dân tộc thiểu số sao cho phù hợp với từng nhóm dân cư, dân tộc khác nhau.
Về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các địa phương rà soát lại những vướng mắc sau 3 năm thực hiện; đồng thời tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các sở, ban, ngành tại địa phương gửi Trung ương để Chính phủ sớm có điều chỉnh phù hợp.
Cùng với đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng đề nghị khi có văn bản của Trung ương gửi về, các địa phương cần có những góp ý chi tiết, cụ thể; Ban Dân tộc và cơ quan làm công tác dân tộc các địa phương phối hợp với các sở, ban ngành sớm xây dựng kế hoạch giải ngân, phân bổ vốn hàng năm của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối ổn định
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối ổn định. Các chính sách dân tộc tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; Ủy ban Dân tộc và các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Các địa phương nỗ lực trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc.
Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Các đề án, chính sách, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác trong 6 tháng đầu năm đạt mục tiêu đề ra với khối lượng công việc lớn, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 là trên 7.800 tỷ đồng, đạt 18,54%.
Việc triển khai các chính sách dân tộc khác được quan tâm thực hiện, tiêu biểu là chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số" giai đoạn 2015-2025''; Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025"...
Cùng với đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều hoạt động được tập trung triển khai, như xây mới, duy tu bảo dưỡng công trình giao thông, trường học… tại các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình...
Tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ thêm những vấn đề về tình hình kinh tế-xã hội, vấn đề giảm nghèo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đánh giá về những chính sách dân tộc; nêu các đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương về giải pháp, chính sách để bảo đảm ổn định cuộc sống của đồng bào…
Theo đó, trong thực hiện công tác dân tộc ở địa phương, việc tổ chức thực hiện chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi tiến độ vẫn còn chậm, tỉ lệ giải ngân thấp. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương còn chưa sâu sát, chậm phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kết quả thực hiện các chính sách dân tộc ở nhiều địa phương còn hạn chế; chất lượng thông tin báo cáo chưa đầy đủ và kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành chung. Việc xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ cơ sơ nhiều nơi còn yếu, chất lượng cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ...
6 tháng cuối năm 2023, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc; đẩy nhanh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và hướng dẫn về cơ chế chính sách, thực hiện Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kết quả nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ...
Hoàng Giang
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/nam-chac-tinh-hinh-de-xuat-chinh-sach-phu-hop-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-a62889.html