Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

(Chinhphu.vn) – Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, chiều 12/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp đon vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. 

Căn cứ nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan trung ương, trong giai đoạn 2019 – 2021 cả nước đã tiến hành sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, kết quả đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.

Trên cơ sở Báo cáo của đoàn giám sát về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, trong đó giao Đảng đoàn Quốc hội kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương theo đề nghị của Chính phủ.

Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc Chính phủ xây dựng, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 là cần thiết.

Gắn việc sắp xếp ĐVHC với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết là thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Gắn việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị, bảo đảm xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương. Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn hoặc các quy hoạch khác có liên quan; chú trọng đến các yếu tố đặc thù và bảo đảm chất lượng đô thị theo quy định.

Kế thừa, phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều với các nội dung cơ bản về: Đối tượng thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Điều 1 và Điều 3); nguyên tắc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã (Điều 2); tiêu chuẩn của ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp (Điều 4); trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (từ Điều 7 đến Điều 9); sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp ĐVHC (Điều 10 đến Điều 12); áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp (từ Điều 14 đến Điều 19);...

Về nguyên tắc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh dự thảo Nghị quyết quy định 6 nguyên tắc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, trong đó cơ bản kế thừa các nguyên tắc tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Đồng thời, trên cơ sở Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, dự thảo Nghị quyết chỉnh lý theo hướng khẳng định nguyên tắc việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.

Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Nghị quyết số 37-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Kết luận số 50-KL/TW và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng và ban hành Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2030 theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật thấy rằng dự thảo Nghị quyết đã bám sát chỉ đạo tại Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; các kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tại Báo cáo số 1707/BC-UBPL15 ngày 08/5/2023. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, các nội dung thể hiện trong dự thảo Nghị quyết đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến đồng ý thống nhất. Vì vậy, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Cùng với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng khẳng định cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tin giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước...

Việc ban hành nghị quyết là phù hợp chủ chương của Đảng; phát huy được những thành công và khắc phục được nhiều bất cập đã được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021. Do đó, việc ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của UBTVQH là cần thiết.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc sắp xếp ĐVHC phải đảm bảo phù hợp quy hoạch cấp tỉnh và các quy hoạch liên quan. Trong bối cảnh quy hoạch cấp tỉnh ở nhiều địa phương chưa hoàn thành, do vậy Thường trực UBTP đề nghị cân nhắc tính khả thi và thời hạn hoàn thành cho phù hợp.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng về cơ bản hồ sơ Nghị quyết cơ bản đã được chuẩn bị theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguyễn Hoàng


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/the-che-hoa-quan-diem-chi-dao-cua-dang-ve-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap-xa-a62881.html