Cử tri, nhân dân phấn khởi trước những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội

(Chinhphu.vn) – Cử tri và nhân dân bày tỏ phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023 tại phiên họp thứ 24 diễn ra vào sáng 12/7. 

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023 do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày nhấn mạnh cử tri và nhân dân bày tỏ vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.

Đồng thời, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giám sát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến xây dựng pháp luật…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động; tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn; tình trạng thiếu nhà trẻ công lập ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên;...

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ đầu năm đến nay, có 187.306 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022; tăng 19,1% về số người được tiếp; tăng 20,7% vụ việc, tăng 27,5% đoàn đông người.

Tính đến ngày 24//6/2023, tại địa bàn thành phố Hà Nội, vẫn còn 73 người của 19 địa phương đang lưu trú để khiếu kiện, trong đó có 36 công dân thường xuyên lưu trú dài ngày. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiên trì vận động, thuyết phục nhưng các công dân này vẫn không trở về địa phương. Ban Dân nguyện đã tích cực, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng và Tổ công tác của 18 địa phương tăng cường công tác phối hợp, tích cực hướng dẫn, tuyên truyền.

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 5 và tháng 6/2023, tại một số địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn hết sức phức tạp. Nội dung chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi, rác thải,… ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân; tình trạng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và công tác quản lý, vận hành tòa nhà, cũng như chất lượng chung cư không đảm bảo… vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân, làm phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Trong đó, nổi lên 12 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần các cơ quan, chính quyền địa phương có giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Về tiếp công dân, các cơ quan đã tiếp 635 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 651 vụ việc và có 30 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành 82 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 47 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 522 vụ việc.

Về việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, các cơ quan đã nhận được 3.518 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Qua nghiên cứu 837 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 531 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 129 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 86 đơn, tiếp tục xếp lưu 91 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và nhận được 277 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền.

Ban Dân nguyện kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng.

Ngoài một số nội dung cử tri phản ánh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay. 

Đó là triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh, truy bắt các đối tượng đã gây ra vụ việc tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6/2023 để xử lý nghiêm theo quy định; sớm có giải pháp ổn định tình hình, tư tưởng trong quần chúng nhân dân, đảm bảo kiểm soát tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung; quan tâm hơn nữa đến đời sống đồng bào các tỉnh Tây Nguyên. 

Có giải pháp căn cơ, có tính chiến lược để nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số để không bị các tổ chức chống phá cách mạng lôi kéo, kích động; kiểm soát các thông tin, các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng. 

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện các quy định, nhất là việc "làm sạch" dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Bộ Xây dựng có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ để khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống. 

Cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, xem xét và ban hành quy định cấm hoặc hạn chế buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam…

Nguyễn Hoàng


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/cu-tri-nhan-dan-phan-khoi-truoc-nhung-ket-qua-tich-cuc-ve-kinh-te-xa-hoi-a62791.html