Tham dự buổi lễ có bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố và quận Đống Đa.
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa được khởi công vào ngày 01/10/2021, là công trình đường bộ cấp III, được thiết kế xây dựng cầu vượt bằng kết cấu thép lắp ghép vượt trực thông theo dạng chữ C, theo hướng Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, tổng chiều dài cầu L=318m, rộng B=9m với tổng mức đầu tư hơn 147 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.
Tại buổi lễ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện mặc dù gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc do mặt bằng thi công chặt hẹp, tổ chức giao thông phức tạp, phải thực hiện di chuyển nhiều hệ thống công trình ngầm nổi (hệ thống điện, thông tin, cấp nước). Mặt khác, nhà thầu vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại trong khi nút giao này thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng giao thông qua lại rất lớn.
Ngoài ra còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao trong năm 2021, 2022,... nhưng được sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của các Sở, ngành Thành phố, UBND quận Đống Đa và nhân dân trong khu vực; đồng thời với sự cố gắng của Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công công trình, sau gần 2 năm triển khai thi công đến nay dự án đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Dự án sau khi hoàn thành nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Đông Tác, một trong những nút giao trung tâm của quận Đống Đa, nơi tập trung nhiều trường học, trung tâm thương mại, tòa nhà dịch vụ có mật độ đông đúc và sầm uất của Thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn, giai đoạn trước mắt khi chưa giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Tôn Thất Tùng, UBND Thành phố quyết định đầu tư trước cầu vượt thép có dạng chữ C; giai đoạn tiếp theo khi tuyến đường Tôn Thất Tùng được mở rộng theo quy hoạch, sẽ hoàn thiện bổ sung thêm nhánh cầu trên đường Tôn Thất Tùng khớp nối với nhánh trên đường Phạm Ngọc Thạch tạo thành cầu vượt chữ Y hoàn chỉnh. Dự án hoàn thành cũng đồng thời giảm tải, nâng cao năng lực thông hành cho các phương tiện trong khu vực lân cận, là giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hình thành hạ tầng giao thông khung của thành phố Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng các Sở, ban, ngành của Thành phố, Quận ủy - UBND quận Đống Đa; cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ của Bộ Giao thông Vận tải, Công an giao thông, thanh tra giao thông thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và các đơn vị quản lý đường bộ, trạm thu phí để đảm bảo an toàn khi xe vận chuyển các phiến dầm từ nhà máy đến lao lắp tại công trường; các đơn vị thi công, các cản bộ, kỹ sư, người lao động…. đã vượt qua nhiều khó khăn, lao động tích cực trên công trường; quần chúng nhân dân trong khu vực dự án đã tích cực ủng hộ để công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chỉ đạo, sau khi công trình thông xe, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu sớm hoàn thành những nội dung cần hoàn thiện theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng; tổ chức bàn giao các hạng mục của công trình cho các đơn vị quản lý để tiếp nhận và thực hiện công tác duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức thực hiện nghiệm thu, quyết toán các hạng mục công trình đã hoàn thành theo quy định.
Sở Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện kiểm tra tiếp nhận bàn giao hạng đường (đường trên cao và đi bằng) để tổ chức giao thông, thực hiện duy tu, duy trì; phối hợp với Công an Thành phố, UBND quận Đống Đa theo dõi tình hình giao thông đi lại của các tuyến đường, nút giao xung quanh các khu vực bị ảnh hưởng sau khi công trình thông xe, để kịp thời có phương án tổ chức giao thông hợp lý, đảm bảo an toàn, thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Sở Xây dựng tổ chức tiếp nhận bàn giao toàn bộ hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước đã đầu tư để thực hiện duy tu, duy trì ngay các hạng mục công trình theo quy định cũng như tổ chức đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận các hạng mục hào kỹ thuật, bó ống kỹ thuật... đã đầu tư để thực hiện duy tu, duy trì ngay theo quy định.
UBND quận Đống Đa tiếp nhận vỉa hè và tổ chức tuyên truyền vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, chỉnh trang tuyến phố để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá của Thành phố. Đã hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài; đang đôn đốc tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư để khởi công dự án trong tháng 6/2023; phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và đưa vào sử dụng Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và Đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân; Hoàn thiện thủ tục để khởi công trong năm 2023 Dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng… để khớp nối đồng bộ với đường vành đai 4.
Hà Nội cũng đang tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mở mới các tuyến buýt, đưa vào vận hành một số tuyến buýt chạy điện.
Minh Anh
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/khanh-thanh-du-an-xay-dung-cau-vuot-tai-nut-giao-duong-chua-boc-pham-ngoc-thach-a61712.html