Không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân

(Chinhphu.vn) - Thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết ban hành luật này nhưng với nhiều trường thông tin được tích hợp, cần có giải pháp để không làm lộ lọt thông tin, không vi phạm quyền con người cũng như nhất trí việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng dưới 14 tuổi.

Cấp căn cước công dân là bước tiến mới trong chuyển đổi số quốc gia

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn là cơ sở gốc để làm căn cước công dân. Qua tổng kết, đánh giá, Chính phủ và các cơ quan cho rằng, việc cấp căn cước công dân là bước tiến mới trong chuyển đổi số quốc gia. 

Thực tế, chuyển đổi số quốc gia là quá trình “dò đá qua sông”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; vừa phải bảo đảm tiệm cận với trình độ phát triển công nghệ của thế giới, vừa đặt ra yêu cầu về quản lý. Khi đi giám sát, một trong những nguyên nhân khó đánh giá tình hình nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia. Số liệu rất mênh mông, dù khoa học thống kê đã phát triển, nhưng để đánh giá nhận định tình hình thì phải bằng các “con số biết nói”. Nếu không nhanh chóng phát triển hệ thống dữ liệu quốc gia thì sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước tốt, kết nối và chia sẻ được, thì chỉ cần căn cước công dân thôi, thay vì phải dùng đến 5 loại giấy tờ, tiết kiệm được chi phí. Nhưng quá trình làm, chúng ta phải chấp nhận “sự quá độ” nên trong chừng mực nào đó còn có hạn chế. Đơn cử như hiện nay có chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sau đó lại có căn cước công dân gắn chip, căn cước công dân không gắn chip và thẻ căn cước-như vậy là có 5 loại cùng song hành. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, một là quy định thời hiệu hết hiệu lực như trong dự thảo luật; hai là khi nào hết hiệu lực thì tự tiêu vong. Trong thành công chắc chắn còn có hạn chế, quan trọng là chúng ta phải làm sao có giải pháp kỹ thuật để khắc phục hạn chế này.

Đề cập đến thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 10 của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần bổ sung vào kho lưu trữ dữ liệu để tăng cường dữ liệu quốc gia và hiệu lực quản lý thông tin. Tuy nhiên, cần cụ thể thông tin, đối tượng nào bắt buộc phải đưa vào kho dữ liệu, đối tượng và thông tin nào thì không phải bắt buộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ như thế nào để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người. Cần quy định cụ thể việc cấp quyền khai thác ra sao, ai được truy xuất và quyền truy xuất đến đâu chứ không phải ai cũng có quyền khai thác. Ví dụ như tích hợp giấy phép lái xe thì cơ quan nào cần truy xuất giấy phép lái xe thì chỉ truy xuất giấy phép lái xe; cơ quan nào cần truy xuất thẻ bảo hiểm thì chỉ được phép khai thác dữ liệu về bảo hiểm. Vấn đề này cần được quy định trong luật hay văn bản dưới luật cho các cơ quan có thẩm quyền. Cũng có ý kiến đặt vấn đề tại sao không truy xuất trong cơ sở dữ liệu quốc gia mà phải truy xuất trong thẻ căn cước?

Tán thành quan điểm này, đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị, cần bổ sung quy định, chỉ cấp quyền khai thác thông tin tích hợp trong căn cước phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể. Và cần có sự đồng ý, giám sát của công dân.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho rằng,  Điều 23 của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tích hợp thông tin vào thẻ căn cước để giảm bớt thủ tục giấy tờ, tránh thất lạc giấy tờ, thuận lợi cho cơ quan trong giao dịch, cải cách thủ tục hành chính và thuận lợi cho người dân trong việc giảm chi phí, thời gian đi lại. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, việc tích hợp này cần hạ tầng tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh thất thoát, làm lộ bí mật thông tin của người dân.

Một số đại biểu cùng có những băn khoăn như trên đề nghị cần làm rõ giải pháp công nghệ để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ, lọt bí mật thông tin, không ảnh hưởng, không vi phạm quyền công dân, quyền con người.

Tán thành cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi

Ủng hộ sự cần thiết của dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp thông tin làm giàu dữ liệu dân cư là việc rất có ý nghĩa. Đặc biệt là việc bổ sung các nội dung về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam đã thể hiện được tính nhân văn. Tuy nhiên, đối với các trường thông tin trong thẻ căn cước cần phải được quy định và hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thông suốt.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TPHCM) bày tỏ ủng hộ với quy định cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Theo đại biểu, nếu các cháu được cấp căn cước công dân thì thực hiện một số thủ tục hành chính hoặc đi máy bay sẽ không cần cầm  theo giấy khai sinh nữa. Điều này rất thuận lợi. Tuy nhiên đối với vấn đề này, theo đại biểu cần được tuyên truyền tốt để tránh tình trạng người dân ồ ạt đi làm, tạo ra áp lực cho lực lượng công an ở cơ sở, giúp người dân hiểu nếu có nhu cầu thực sự thì làm trước, các đợt làm nên kéo dãn ra.

Đồng thuận với quan điểm bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho rằng, việc làm này rất thuận tiện cho các cháu dưới 14 tuổi trong việc kê khai giấy tờ khi đi học, khám chữa bệnh hay tham gia vào các hoạt động giao thông vận tải công cộng. Việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng này cũng góp phần quản lý dữ liệu, thông tin cá nhân được tốt hơn bởi nếu dùng giấy khai sinh có thể bị hư hỏng, cũ nát nên dễ ảnh hưởng đến độ chính xác của thông tin cá nhân và người khác có thể sử dụng thay thế được. Để bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin được tốt hơn, đại biểu Nguyễn Hải Trung yêu cầu trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về hạ tầng để bảo mật dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước…

L. Sơn


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/khong-lam-lo-lot-bi-mat-thong-tin-khong-vi-pham-quyen-cong-dan-a60145.html