Nợ đọng bào mòn, doanh nghiệp vật liệu xây dựng lo phá sản

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ gạch, kính, bê tông, thép... đang trong bối cảnh khó khăn và có nguy cơ phá sản vì tiêu thụ giảm, nợ đọng xây dựng tăng cao.

Tại toạ đàm "Thị trường vật liệu xây dựng-những điểm nghẽn và giải pháp" ngày 10/6, ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam - cho biết, Việt Nam nhiều năm xếp hạng thứ 4 về sản lượng sản phẩm sản xuất gạch ceramic trên thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay sản xuất và kinh doanh đã sụt giảm 30 - 35%. Đặc biệt năm 2022 và quý I năm nay thị trường gốm sứ xây dựng hầu như đóng băng, tê liệt cả trong sản xuất và lưu thông.

Theo ông Huy, thị trường vật liệu trong đó có gốm sứ suy giảm do nhiều nguyên nhân (dịch COVID -19, thị trường bất động sản đình trệ) nên từ năm 2021 lượng sản xuất chỉ đạt khoảng 50 - 60% sản lượng đầu tư. Doanh thu các năm gần đây chỉ đạt khoảng trên 2 tỷ USD là gạch ốp lát và sứ vệ sinh.

Các hiệp hội vật liệu kêu cứu. Ảnh: Ngọc Mai.

“Thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế nên thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ. Nếu điều này không được tháo gỡ nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp gốm sứ hiện hữu”, ông Huy nhấn mạnh.

Về khó khăn của ngành thép, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cho rằng, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận thép thu hẹp trong khi nhu cầu thép yếu dẫn đến giá thép liên tục điều chỉnh giảm. Ngoài tiêu thụ trong nước giảm, xuất khẩu giảm 42% từ đầu năm đến nay. Theo đó, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế VAT cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%.

Đại diện Hiệp hội kính Việt Nam cho rằng, từ tháng 4 năm 2022, thị trường bất động sản đi vào chu kỳ suy giảm nghiêm trọng. Từ thời điểm đó đến nay, nhu cầu của thị trường bất động sản với các sản phẩm kính xây dựng sụt giảm tới mức rất thấp, nhiều doanh nghiệp bất động sản quyết định dừng công trình, không tiếp tục thi công.

Doanh thu toàn ngành 6 tháng đầu năm nay ước giảm 70-80% so với cùng kỳ, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Bùi Khắc Sơn, tình trạng nợ đọng tiền mua vật liệu khiến doanh nghiệp bị “bào mòn” nguồn lực.

Để “cứu” các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, các Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng kiến nghị có các chính sách, hỗ trợ để giải tỏa các vướng mắc về mặt pháp lý triển khai dự án, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công, có biện pháp khơi thông việc huy động vốn (trái phiếu doanh nghiệp)...

Ông Lê Quang Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - đánh giá, thị trường vật liệu nhiều điểm nghẽn khác nhau giữa các vật liệu. Theo ông Hùng, cơ quan nhà nước phải đẩy mạnh nhà ở xã hội phát triển, kéo theo việc nhóm vật liệu xây dựng tăng theo. Tuy nhiên, ông Hùng nhận định, phải 2- 3 năm nữa thị trường bất động sản mới phục hồi, nhóm vật liệu mới tăng trở lại.

Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết, thị trường vật liệu xây dựng gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất đầu tư công chưa đáp ứng được; đầu tư của nhân dân giảm do kinh tế suy thoái. Trong khi đó, giá vật liệu tăng cao khiến tiêu thụ giảm.

“Ngoài những vấn đề các doanh nghiệp kiến nghị lên Thủ tướng về miễn thuế, vốn cho vay..., bản thân các doanh nghiệp phải tự giảm sản lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí tạo ra sự cạnh tranh", ông Bắc nói.

Bất chấp "cơn lốc xoáy", Hòa Phát vẫn cố thủ ở top 1 công ty vật liệu xây dựng 2023, Vicostone và Viglacera thăng hạng vượt mặt Hoa Sen

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/no-dong-bao-mon-doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung-lo-pha-san-a60030.html