Vụ phóng thành công tên lửa đẩy Nuri từ Trung tâm vũ trụ Naro tại làng Goheung, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc. (Nguồn: The Hankyoreh) |
Ngày 25/5 vừa qua, Hàn Quốc phóng thành công tên lửa đẩy Nuri đưa tám vệ tinh lên quỹ đạo, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình chinh phục không gian của nước này.
Tên lửa Nuri có chiều dài 47,2m, tương đương một tòa chung cư 15 tầng, đường kính lên tới 3,5m và nặng 17,5 tấn. Khác với lần phóng thứ nhất và thứ hai trước đó chỉ mang theo vệ tinh mô phỏng, tên lửa đẩy Nuri trong lần phóng thứ ba này mang theo tám vệ tinh thực nghiệm có thể thực hiện nhiệm vụ thực tế.
Lợi thế cạnh tranh
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ sự vui mừng sau vụ phóng thành công tên lửa Nuri. Ông nhấn mạnh, đây là cột mốc đưa xứ sở kim chi vào danh sách bảy quốc gia có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy tự phát triển.
“Điều này sẽ khiến thế giới phải thay đổi cách nhìn nhận về công nghệ khoa học vũ trụ và ngành công nghiệp tiên tiến của Hàn Quốc”, Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định.
Tên lửa ba tầng Nuri đã được phát triển trong một thập kỷ qua với chi phí 2.000 tỷ Won (hơn 1,5 tỷ USD).
Tin liên quan |
Hàn Quốc chuẩn bị phóng tên lửa vũ trụ |
Hàn Quốc lần đầu tiên phóng thử nghiệm tên lửa Nuri vào ngày 21/10/2021. Tên lửa bay đến độ cao mục tiêu là 700 km nhưng không thể đưa một vệ tinh giả vào quỹ đạo do động cơ tầng ba bị cháy sớm hơn dự kiến. Hồi tháng Sáu năm ngoái, Hàn Quốc đã phóng một tên lửa Nuri khác để đưa các vệ tinh giả vào quỹ đạo.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lee Jong-ho, thành công của vụ phóng tên lửa Nuri lần thứ ba khẳng định “tiềm năng của chúng tôi đối với các hoạt động vệ tinh và thám hiểm không gian khác nhau”. Ông Lee Jong-ho cho biết, Hàn Quốc sẽ thực hiện thêm ba lần phóng tên lửa Nuri từ nay đến năm 2027.
Tên lửa Nuri được xem là điểm mấu chốt trong các kế hoạch đầy tham vọng của Seoul trong cuộc chinh phục không gian vũ trụ. Trong đó phải kể đến lộ trình đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng vào năm 2032 và lên Hỏa tinh vào năm 2045.
“Sức nóng” từ Trung Quốc
Từ những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã đạt những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Nhờ nguồn lực dồi dào và chính sách bài bản mà Trung Quốc đã xây dựng thành công mạng lưới cơ sở hạ tầng thông tin và do thám vũ trụ.
Năm 2020, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh cuối cùng trong mạng lưới định vị Bắc Đẩu của nước này. Tính đến thời điểm đó, theo CNN, thế giới mới chỉ xuất hiện bốn mạng lưới vệ tinh định vị toàn cầu lớn, bao gồm GPS của Mỹ, GLONASS của Nga, Galileo của Liên minh châu Âu (EU) và giờ là Bắc Đẩu của Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2025, hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc sẽ thu về khoản lợi nhuận hằng năm lên tới 156,22 tỷ USD.
Theo báo Global Times, năm 2022, Trung Quốc đã tiến hành 64 vụ phóng vệ tinh. Nhiều công ty tư nhân ở Trung Quốc đang phát triển tên lửa phóng vệ tinh, một số công ty bắt đầu tiến hành các vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo.
Tháng 3/2022, công ty khởi nghiệp GalaxySpace, có trụ sở tại Bắc Kinh, phóng sáu vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất, còn công ty đối thủ trong nước Galactic Energy, phóng năm vệ tinh vào tháng Giêng vừa qua.
Nhật Bản tái khởi động
Không chỉ Mỹ, Nga và EU mà nhiều quốc gia khác cũng cảm nhận được “sức nóng” từ chương trình vũ trụ của Trung Quốc. Nhật Bản không phải là ngoại lệ. Tokyo bắt đầu dồn các nguồn lực cho việc tái khởi động chương trình vũ trụ của mình.
Nhật Bản là một trong số những quốc gia châu Á có chương trình thám hiểm vũ trụ sớm nhất với thành tích là nước thứ tư phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất. Nhưng trong nhiều năm qua, Tokyo đã bị nhiều quốc gia khác bỏ lại phía sau. Trung bình nước này chi ra 3 tỷ USD mỗi năm cho các hoạt động thám hiểm vũ trụ, trong khi Mỹ là 36 tỷ USD, còn Trung Quốc là 4,9 tỷ USD.
Chia sẻ với báo Nikkei, ông Asai Yosuke, Giám đốc Văn phòng Công nghiệp vũ trụ thuộc Bộ Kinh tế Thương mại Công nghiệp Nhật Bản cho biết, ngành công nghiệp vũ trụ Nhật Bản phụ thuộc 90% vào chính phủ. “Bằng cách tăng nguồn vốn công vào lĩnh vực này, Tokyo muốn thúc đẩy các công ty vũ trụ phát triển khả năng đáp ứng nhu cầu dân sự trong và ngoài nước”.
Ông Nakamura Yuya, Giám đốc công ty thiết kế chế tạo vệ tinh Axelspace ở Nhật Bản, trả lời tờ Financial Times: “Chỉ cách đây chục năm thôi, chính quyền không hề có sự quan tâm nào đến những công ty tư nhân trong lĩnh vực vũ trụ. Nhưng từ khi cố Thủ tướng Abe Shinzo hứa hẹn sẽ giúp ngành công nghiệp vũ trụ ở Nhật Bản đạt mức tổng giá trị 21 tỷ USD vào năm 2030 thì những doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi mới bắt đầu nhận được trợ giúp về tài chính và chuyên gia từ chính phủ”.
Ấn Độ không kém cạnh
Trong khi đó, Ấn Độ đang nổi lên như một nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh đáng tin cậy đối với khách hàng tiềm năng.
Phát triển lĩnh vực không gian là một kế hoạch quan trọng trong chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India) của Thủ tướng Narendra Modi. Chiến dịch này nhằm định vị nền kinh tế lớn thứ năm thế giới là điểm đến hàng đầu cho đổi mới công nghệ.
Những năm gần đây, Ấn Độ tập trung phát triển ngành công nghiệp không gian để giành “miếng bánh” lớn hơn trên một thị trường ước tính đạt giá trị 600 tỷ USD vào năm 2025.
Công ty NewSpace India đang giúp Ấn Độ cạnh tranh trên cuộc đua vào không gian. Hồi tháng 10/2022, công ty này phóng thành công 36 vệ tinh cho công ty OneWeb của Anh. NewSpace đang đẩy mạnh sản xuất mẫu tên lửa phóng vệ tinh lớn nhất của Ấn Độ, LVM3.
Ông Neil Masterson, Giám đốc điều hành công ty OneWeb, đánh giá NewSpace India có cơ hội thực sự để trở thành nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại lớn trên toàn cầu.
Trong năm tài chính vừa qua, NewSpace India đạt doanh thu 17 tỷ Rupee (210 triệu USD) và lợi nhuận 3 tỷ Rupee (41 triệu USD). Công ty đang cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh cho 52 khách hàng quốc tế.
Cuộc đua trong lĩnh vực khoa học vũ trụ đang diễn ra ở châu Á. Hoạt động thăm dò không gian và công nghệ vũ trụ khiến một số cường quốc châu Á đang thu được lợi ích đáng kể, đặc biệt là khẳng định tên tuổi trên bản đồ các quốc gia “có phần” trên vũ trụ…
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/chay-dua-khong-gian-o-chau-a-a59554.html