Đại biểu gợi ý đặt tên “hoa Lan, hoa Ban, hoa Hồng…” cho khu nhà ở xã hội, tái định cư

Đại biểu Quốc hội gợi ý có thể đặt tên của những loài hoa như “hoa Lan, hoa Ban, hoa Hồng…” cho khu nhà ở xã hội, tái định cư; khu nhà ở cho người nghèo.

Tên đẹp, ý nghĩa hay giúp nhà ở xã hội tránh mất giá


Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội quan tâm đến tên gọi của các khu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, tái định cư, khu nhà ở xã hội. Đại biểu cho rằng cần có những chính sách, quan tâm đúng mực, có trách nhiệm và thật nhân ái cho những đối tượng kể trên.


Đại biểu gợi ý đặt tên “hoa Lan, hoa Ban, hoa Hồng…” cho khu nhà ở xã hội, tái định cư - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên họp tổ

Nói về chất lượng xây dựng những khu nhà ở này, ông Trí cho biết cá nhân ông đã đi khá nhiều khu tái định cư, khu nhà ở cho người nghèo… chất lượng xây dựng 5 năm trở về trước khá thấp. Do đó, ông Trí đề nghị cần phải đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra.


"Tôi tha thiết mong muốn những khu như vậy, có thể hẹp đi, nhỏ đi hoặc ở một địa điểm không phải "đất vàng" để làm cho giá hợp lý hơn. Nhưng, chất lượng xây dựng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định để đảm bảo an toàn cho người dân" - đại biểu đoàn Hà Nội nêu.


Thêm một vấn đề ông Trí quan tâm và đề nghị không nên ghi tên của tòa nhà, khu chung cư hoặc treo biển… bằng những tên gọi theo chức năng như: Khu nhà ở cho người nghèo, khu nhà ở cho người thu nhập thấp, khu nhà ở tái định cư, khu nhà ở xã hội… Đó là những cụm từ để chỉ chức năng, từ chức năng đó để làm văn bản, giấy tờ nhưng sử dụng làm tên gọi của khu ở thì không nên.


"Thêm nữa, nhà ở bản chất cũng là một loại hàng hóa, sẽ có chuyển nhượng, có bán. Nên khi có tên gọi như vậy gây mất giá. Mua đến vùng đó là bị mất giá ngay từ lúc mua. Cùng với đó, khi gọi tên như vậy là thiếu tôn trọng cư dân ở đó, đây là điều phản cảm" - ông Trí nêu lý do.

Từ những phân tích đó, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị những khu nhà ở như đã nêu trên nên đặt tên khu nhà, tòa nhà đó bằng những tên đẹp, ý nghĩa hay. Đại biểu gợi ý có thể đặt tên thành tên của những loài hoa như "hoa Lan, hoa Ban, hoa Hồng…" hoặc mang tên địa danh "Chương Dương 5, Chương Dương 7…".


Tự thỏa thuận mua bán đất gây nhiều hệ lụy


Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội đồng tình với việc cần phải có chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Từ kế hoạch này, sẽ có kế hoạch để thực hiện quy hoạch đất đai. Đại biểu cũng đồng ý chương trình này phải do địa phương (Hội đồng nhân dân) quyết định.


Đại biểu Cường cũng băn khoăn về việc "có nên để cho các nhà đầu tư tự đi thỏa thuận mua đất, xong trở thành đất được quyền của mình?". Ông Cường nêu, trong thẩm tra có nhắc "Trong Nghị quyết 18 nên để cơ chế là tự thỏa thuận". Nếu để cơ chế tự thỏa thuận có nghĩa nhà đầu tư gom đất lại, tự được quyết định để chuyển, do đó ông cho rằng không nên thực hiện cơ chế này.


Ông Cường phân tích, việc tự thỏa thuận để mua bán đất, thực chất là gom đất sẽ sinh ra rất nhiều hệ lụy: Thứ nhất, người dân bán đất nông nghiệp nhưng nhà đầu tư sau mua được quyền chuyển thành đất ở, tạo ra chênh lệch giá trị.


Thứ hai, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay, chúng ta nói khi người dân bị thu hồi phải bồi thường, đền bù, tái định cư cho người dân có chỗ ở phải tối thiểu bằng hoặc tốt hơn và thu nhập cũng vậy. Nếu để tình trạng tự thỏa thuận thì người dân có thể bán hết đất nông nghiệp đi và nhận bằng tiền, còn không biết kế sinh nhai về sau sẽ như thế nào…


"Nhưng nếu nhà nước thu hồi thì Nhà nước phải nghĩ thu hồi đất nông nghiệp phải tạo kế sinh nhai cho người dân. Do đó, tôi cho rằng việc Nhà nước thu hồi để đảm bảo lợi ích, lâu dài hơn cho chính người dân" - đại biểu nói.


Thứ ba, nếu để người dân tự thỏa thuận thì không phải người dân nào cũng có khả năng thỏa thuận với nhà đầu tư, rất dễ bị dẫn dắt bởi nhóm cầm đầu làm việc riêng với chủ đầu tư, lợi ích người dân chưa chắc đã được đảm bảo.


Thứ tư, nếu thỏa thuận như thế sẽ làm nảy sinh tình trạng dự án này thỏa thuận như này, dự án khác thỏa thuận khác, nảy sinh ra sự bất bình đẳng giữa các khu vực, nơi giá cao giá thấp…


Thứ năm, việc tự thỏa thuận cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, có những doanh nghiệp bao nhiêu năm không thể tự thỏa thuận được vì chỉ một người nào đó không đồng tình.

Từ những phân tích trên, ông Cường không đồng tình với việc tự thỏa thuận mà nên để Nhà nước có vai trò can thiệp.


Liên quan đến nhà chung cư, ông Cường đồng tình với việc người đang ở nhà chung cư sau khi phá dỡ, cải tạo nhà chung cư thì được quyền tiếp tục đóng tiền vào để xây dựng nhà mới trên đất đó.


Tuy nhiên, theo ông Cường, chung cư cũ hiện nay đa số thấp tầng, và khi phá đi xây cao tầng lên mới có chuyện có mức sinh lợi nhuận. Nhưng nhà cao tầng, phá đi xây tương đương thì không sinh hệ số lợi nhuận, chủ yếu là người dân nộp tiền để xây mới.


Do đó, nếu cứ duy trì tình trạng như hiện nay thì có thể đến một lúc nào đó những nhà chung cư cũ cao tầng không bao giờ phá vỡ được. Vì vậy, ông Cường đồng tình với việc xây dựng nhà chung cư phải có thời hạn theo tuổi thọ của công trình. Còn hết thời hạn, nhưng nếu kiểm định nhà đó còn tốt thì tiếp tục sử dụng, không tốt thì phá dỡ. Điều đó đem lại lợi ích cho người dân.


"Tôi đề nghị nên đưa lại sở hữu chung cư có thời hạn và đất dành cho nhà chung cư không phải đất vĩnh viễn mà đất cho thuê có thời hạn, theo thời hạn của chung cư. Khi đất thuê như thế, hết thời hạn cải tạo, phá dỡ là xong, không còn liên quan đến chuyện thu hồi. Đồng thời, thuê như vậy, tiền thuê đất sẽ rẻ hơn tiền mà chúng ta giao đất, giá cho nhà đầu tư sẽ thấp hơn và khả năng hưởng lợi sẽ mang lại cho người dân nhiều hơn" - ông Cường nêu ý kiến.


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/dai-bieu-goi-y-dat-ten-hoa-lan-hoa-ban-hoa-hong-cho-khu-nha-o-xa-hoi-tai-dinh-cu-a59472.html