Sáng 5/6, thảo luận tại phiên họp tổ, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu đồng tình với việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Nữ đại biểu viện dẫn số liệu năm 2022, với 100 triệu dân, trong đó có 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
“Việt Nam thật sự là một quốc gia đất hẹp, người đông lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và giãn cách thu nhập lớn”, nhìn nhận thực trạng này, bà Yên quan tâm đến chính sách về nhà ở xã hội và tài chính cho phát triển nhà ở.
Dự thảo Luật đã quy định khá chi tiết về xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng hay do doanh nghiệp đầu tư xây dựng cũng như quản lý vận hành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Đánh giá đây là những sửa đổi, bổ sung mới tích cực, bà Yên viện dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quốc gia nào cũng phải giải quyết vấn đề nhà ở xã hội. “Ở các nước XHCN trước đây, việc xây dựng hàng loạt các loại hình nhà 5 tầng, nhà 9 tầng để phân phối, bán với giá ưu đãi cho người lao động đã giải quyết khá tốt vấn đề nhà ở đô thị, tạo ra những khu đô thị mới hay xây xen kẽ trong các khu dân cư hiện hữu”, bà Yên cho hay.
Theo đại biểu, thời điểm đó, nhà 5 tầng hay 9 tầng là những phương án tối ưu về giá thành xây dựng và bảo đảm phòng cháy chữa cháy, cung cấp điện nước, khí đốt tập trung. Khi đó, thi công 3 ca 4 kíp đều có thể hoàn thành mỗi ngày 1 tầng nhà.
Ở Việt Nam, cách đây 60 - 70 năm trước cũng đã từng có các khu tập thể như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thanh Xuân… với hàng loạt căn hộ loại 24 m, 48 m, 60 m2 được xây dựng bằng công nghệ hiện đại bê tông tấm lớn. Khi đó, những khu tập thể này cũng đã giải quyết phần nào nhu cầu nhà ở Hà Nội.
Cũng theo đại biểu, chính sách nhà ở xã hội của Singapore là một ví dụ thành công về mô hình nhà ở xã hội; đảm bảo cả xã hội được hưởng quyền lợi về nhà ở và khoảng 85% dân số của Singapore sống trong nhà ở công.
“Do đó, tôi thấy là chúng ta cần phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội”, bà Yên nêu.
Xây dựng bảng lương gắn với khả năng mua nhà
Về tài chính cho phát triển nhà ở, nữ đại biểu đoàn Điện Biên đánh giá, so với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi lần này có một số điểm mới, quy định về các nguồn vốn, nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn vốn cho phát triển nhà ở, vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội.
Đại biểu đồng tình với quy định nhiều cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật về thuế; được hưởng lợi nhuận định mức;vay vốn ưu đãi…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng ủng hộ ghi vào luật tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội. Bởi vì chỉ khi đó đối tượng của Nhà ở xã hội mới có thể tiếp cận, hay lựa chọn được nhà ở với diện tích hợp lý, chất lượng xây dựng với giá cả phải chăng.
“Tôi cũng đề nghị, khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế trong công chức, viên chức, thì cần tính toán đến khả năng mua/thuê mua/thuê nhà ở xã hội”, đại biểu Yên nêu.
Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý, đến việc phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội cung cấp chỗ ở cho người lao động với mục đích phi lợi nhuận; thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để các doanh nghiệp có nhiều công nhân chưa có chỗ ở thì đóng góp vào quỹ để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động.