Nhiều năm qua, không ít khu "đất vàng" tại trung tâm Đà Nẵng được giao cho nhà đầu tư triển khai dự án nhưng để hoang nhiều năm, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
Đơn cử như 3 khu đất lớn ở trung tâm TP. Đà Nẵng thực hiện các dự án Golden Square, Viễn Đông Meridian Tower (84 Hùng Vương), Đà Nẵng Center (8 Phan Châu Trinh).
Ba dự án này hứa hẹn tạo nên điểm nhấn của thành phố. Mặc dù được chính quyền giao đất từ lâu, nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai, chỉ có dự án Golden Square xây dựng được vài tầng rồi dừng lại.
Mới đây, dự án Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á đã chấm dứt hoạt động kể từ tháng 12/2022. Theo Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, Công ty Địa ốc Đông Á đã quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án để thực hiện chuyển nhượng đất và tài sản trên đất theo quy định.
Dự án này khởi công từ năm 2008 tại khu đất 4 mặt tiền trung tâm quận Hải Châu với diện tích 10.664 m2, tuy nhiên khi thi công đến tầng thứ 2 thì dừng lại. Năm 2019, Công ty Địa ốc Đông Á đề nghị được chuyển nhượng toàn bộ dự án Golden Square cho Cty CP Đầu tư Alphanam, sau đó dự án được tái thi công phần thô đến tầng 6 thì tiếp tục dừng lại cho đến nay.
Tương tự, Dự án Viễn Đông Meridian Tower của Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông cũng thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho Công ty TNHH MTV Kinh Bắc Đà Nẵng để thực hiện dự án trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, lấy tên mới là Diamond Square. Nhà đầu tư mới đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
Trao đổi với Nhadautu.vn, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư mới đủ năng lực được xem là lối thoát cho các dự án "treo" nhiều năm, tạo sự phát triển cho địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản cho biết, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp không đủ năng lực thì việc chuyển nhượng dự án là một vấn đề bình thường của thị trường. Đây là 1 trong những chiến lược cần thiết, không thể để kéo dài gây thiệt hại không chỉ của doanh nghiệp mà thiệt hại chung cho địa phương và xã hội.
"Chuyển nhượng dự án tạo điều kiện cho các doanh nghiệp năng lực hơn có cơ hội và tiếp tục dự án, tạo sự phát triển cho địa phương. Tuy nhiên nó cũng là vấn đề kinh nghiệm khi phê duyệt dự án mới thì cơ quan chức năng – chính quyền cũng cần xem xét rõ năng lực chủ đầu tư hơn, yêu cầu chứng minh năng lực tốt hơn", ông Hoàng nói và cho biết thêm, hạn chế trường hợp nhiều doanh nghiệp ko đủ năng lực – kinh nghiệm nhưng xin được phê duyệt dự án sau đó là chuyển nhượng kiếm lời nhanh chóng.
Tương tự, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group cho rằng, việc chuyển nhượng dự án là điều tất yếu, tuân thủ quy luật vận động, sàn lọc tự nhiên của thị trường. Theo đó, những chủ đầu tư uy tín với tiềm lực tài chính mạnh sẽ từng bước thế chỗ để giúp "hồi sinh" các dự án treo tồn tại nhiều năm qua không chỉ riêng tại Đà Nẵng mà còn trên phạm vi cả nước.
Ông Thắng cũng cho biết, trong thời điểm hiện tại, khi các cấp chính quyền, sở ban ngành đang tích cực từng bước tháo gỡ nút thắt pháp lý ở những dự án chậm tiến độ, dự án "treo", thì hoạt động M&A dự án mặc dù âm thầm kín tiếng nhưng vẫn đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.
"Đây cũng chính là cơ hội cho những chủ đầu tư/nhà đầu tư có sẵn nguồn tài chính có thể "săn" được những bất động sản sở hữu vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố mà trước đây khi thị trường ở chu kỳ tăng trưởng có tiền cũng chưa chắc có thể sở hữu được", ông Thắng nói.