Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu về giải thể, xếp chót về thành lập mới

Sau 5 tháng đầu năm, nhóm ngành kinh doanh bất động sản có tốc độ doanh nghiệp giải thể cao nhất, nhưng lại có tốc độ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới đây của Tổng cục thống kê ghi nhận, sau 5 tháng đầu năm, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giải thể lên tới 554, tăng 30,4%. Trong khi đó, lượng doanh nghiệp thành lập mới là 1744 doanh nghiệp, giảm 61,4%.

Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu về giải thể, xếp chót về thành lập mới - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Thực tế, bức tranh thị trường địa ốc cũng đang mang gam màu xám khi nhiều doanh nghiệp địa ốc đang phải gồng lỗ. Đơn cử như Novaland (HoSE: NVL), một doanh nghiệp nhà ở lớn nhất miền Nam này đã ghi nhận một trong những quý I với doanh thu giảm 69% so với cùng kỳ, chỉ đạt 604 tỷ đồng và lỗ trước thuế 87 tỷ đồng, lỗ sau thuế tới 410 tỷ đồng.

Ghi danh vào nhóm doanh nghiệp lớn lỗ, đó là Đất Xanh khi lợi nhuận sau thuế -117 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm là LDG Group (HoSE: LDG) 72 tỷ đồng, Licogi (UPCoM: LIC) 23 tỷ đồng, Becamex TDC (HoSE: TDC) 39 tỷ đồng, Xuân Mai Corp (UPCoM: XMC) 7 tỷ đồng.

Báo cáo quý 1/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường vẫn bị bao phủ bởi trạng thái trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 11%. Nguyên nhân chủ yếu do lệch pha cung và cầu khi thị trường khan hiếm nguồn cung các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ.

Tại cuộc họp báo định kỳ, ông Nguyễn Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong quý I, các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý. Trong số đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của các chính sách vĩ mô, doanh nghiệp trong ngành khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến thiếu vốn, phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.

Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, khó khăn của thị trường sẽ vẫn còn. Phải đến năm 2024, thị trường mới bắt đầu có tín hiệu tan băng.

Một số chuyên gia kỳ vọng rằng, với chính sách tháo gỡ về nguồn cung dự án, cũng như lãi suất hạ nhiệt, niềm tin của nhà đầu tư gia tăng sẽ góp phần làm chuyển biến chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, dựa trên bức tranh thực tế, có lẽ cần thời gian dài để doanh nghiệp "lấy lại sức" sau thời gian thanh khoản dự án chậm, dòng tiền chảy về bị nghẽn.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/doanh-nghiep-bat-dong-san-dung-dau-ve-giai-the-xep-chot-ve-thanh-lap-moi-a58857.html